Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Hát Xoan gắn với du lịch cộng đồng
Ngày 8/12/2017, UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của UNESCO, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc cam kết bảo vệ di sản trong tình trạng bảo vệ khẩn cấp, khẳng định sức sống, sự lan tỏa sâu rộng của di sản trong cộng đồng. Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, phát huy các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, đã và đang thiết thực tạo dựng vị trí và sức sống mới cho hát Xoan trong cộng đồng, để di sản Hát Xoan thực sự trở thành tài sản vô giá…
Hát Xoan Phú Thọ ngày càng có được nhiều thiện cảm và ấn tượng của du khách trong và ngoài nước.
Sản phẩm du lịch hấp dẫn
Từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch, mỗi ngày Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đón từ hai đến ba đoàn khách trong nước và quốc tế. Du khách đến với làng cổ Hùng Lô không chỉ được tham quan quần thể đình cổ mà còn được thưởng thức, tham gia biểu diễn cùng các nghệ nhân Hát Xoan trong chương trình “Hát Xoan làng cổ”; trải nghiệm gói và thưởng thức bánh chưng tại nhà cổ; tham quan và trải nghiệm quy trình sản xuất mỳ gạo, tráng bánh đa vừng…
Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô bắt đầu hoạt động phục vụ khách du lịch từ năm 2015. Năm 2022, Du lịch cộng đồng Hùng Lô được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao với chủ thể là Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Hùng Lô. Mỗi năm, điểm du lịch đón tiếp từ 10-12 nghìn lượt khách. Trong đó, các đoàn du khách tham quan trải nghiệm tại điểm du lịch tập trung chủ yếu vào dịp đầu năm và lễ hội Đền Hùng. Không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào - kép Xoan đã mang lại ấn tượng sâu sắc với du khách.
Năm 2013, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các tour - tuyến du lịch phục vụ các đoàn khách về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, đây chính là tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn liền với các di tích lịch sử văn hoá, nơi phát tích của Hát Xoan và các ngôi đình cổ - là vùng lan toả diễn xướng Hát Xoan như: Miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình An Thái, Đình Hùng Lô… Chủ thể của chương trình biểu diễn là các nghệ nhân của các phường Xoan gốc: Phù Đức, Kim Đái, Thét và An Thái.
Sau 10 năm xây dựng, đến nay sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Đất Tổ. Mỗi năm, các làng Xoan gốc đón và phục vụ hàng chục ngàn lượt khách về tham quan, công tác tổ chức biểu diễn và thuyết minh hướng dẫn ngày càng chuyên nghiệp. Các ngôi đình, đền, miếu - không gian diễn xướng của Hát Xoan được tu bổ, phục dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động biểu diễn, phục vụ du khách.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch thực hiện tư vấn, hỗ trợ thông tin, phục vụ đón tiếp, thuyết minh hướng dẫn trên 500 đoàn khách tham quan, du lịch Phú Thọ với tổng số trên hai triệu lượt khách. Trong đó du khách lựa chọn chủ yếu các điểm tham quan, trải nghiệm như: Đình Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì), Đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy)... Các du khách quốc tế không chỉ bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú khi tiếp cận với Hát Xoan mà còn thể hiện sự thán phục, tình cảm nồng nhiệt, thân thiện với các đào kép, nghệ nhân của phường Xoan. Cùng với đó, Hát Xoan còn nhận được rất nhiều quan tâm của giới truyền thông, cơ quan báo đài trung ương và địa phương, giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trên cả nước giúp thông tin, quảng bá giá trị di sản.
Hiện tại, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” được nhiều công ty lữ hành quan tâm xây dựng tour du lịch như: Du lịch trải nghiệm châu Á, Vietrantour, Saigontourist, Newstar tour, Nam Thanh travel, Fivestar tour, Vinatour... Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty du lịch Vietrantour cho biết: “Trong tour về miền Đất Tổ, tôi rất ấn tượng với hoạt động của Hát Xoan, một trong những điểm nhấn của chương trình. Ngoài được nghe Hát Xoan, du khách có thể tham quan đình, đền, làng cổ của vùng Hùng Lô. Đây là những sản phẩm du lịch rất phù hợp để giới thiệu đến dòng khách thích khám phá, trải nghiệm…”.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng, tổ chức các chương trình tiếp thị về miền Đất Tổ, kết nối các doanh nghiệp du lịch, đưa ra các sản phẩm phù hợp để phục vụ du khách. Cùng với nghe Hát Xoan tại Đình Hùng Lô, đến đây, du khách còn được tham quan, tìm hiểu về ngôi đình cổ cùng các di tích trên địa bàn lân cận như Miếu Lãi Lèn, đình An Thái... Ngoài ra, kết hợp thưởng thức hát Xoan với những tour trải nghiệm khác như làng nghề nón lá Gia Thanh, tương làng Bợ... Kết hợp các sản phẩm du lịch tâm linh tham quan Đền Hùng với các du lịch nghỉ dưỡng như du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn Quốc gia Xuân Sơn…
Du khách thăm Đình Cổ Hùng Lô và thưởng thức nghệ thuật Hát Xoan.
Phát triển bền vững
Văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực để phát triển du lịch và du khách, đồng thời cũng trở thành nguồn lực trong quá trình bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng, thông qua những buổi Hát Xoan giới thiệu tới du khách trong nước và quốc tế. Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch- Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Trước đây chúng tôi cũng đã đón khách du lịch đến tìm hiểu, nhưng kể từ khi Hát Xoan được vinh danh, du khách tìm đến ngày càng đông hơn. Trong một tuần, chúng tôi có thể phục vụ 2-3 đoàn khách quốc tế đến tham quan, nghe Hát Xoan”. Bà Lịch cũng cho biết thêm, từ ngày Di sản Hát Xoan được vinh danh, những nghệ nhân như bà càng nhận thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, đặc biệt trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, cứ vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, các thành viên của phường Xoan gốc An Thái, thuộc thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, lại có mặt tại đình làng để cùng nhau tập luyện.
Xã Phú Nham, huyện Phù Ninh là một trong những địa phương có nhiều khu dân cư thành lập được các câu lạc bộ (CLB) truyền dạy và trình diễn “khúc môn đình”. CLB Hát Xoan và dân ca xã Phú Nham thường xuyên biểu diễn phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng hàng năm và các chương trình, sự kiện tại địa phương. Nghệ nhân Hát Xoan Phùng Thị Dung- Chủ nhiệm CLB cho biết: “Được thành lập từ năm 2014, hiện CLB có hơn 40 thành viên trong đó có những hội viên hơn 70 tuổi vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt, biểu diễn hát Xoan. Nhiều cháu thiếu nhi 3-4 tuổi đã nghe, học hát Xoan. Qua thực tiễn hoạt động, CLB đã lôi cuốn, lan tỏa niềm yêu thích câu hát truyền thống của quê hương, được bà con ủng hộ cả về vật chất và tinh thần”.
Hát Xoan khi xưa chỉ rộn vang sân đình trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng khắp miền Đất Tổ, lan tỏa đến cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với rất nhiều CLB Xoan và dân ca ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn... Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CLB Hát Xoan, nhiều năm nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy, thực hành Hát Xoan cho đối tượng là hạt nhân các CLB Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh, đội văn nghệ quần chúng, cán bộ văn hóa các xã có CLB Hát Xoan, thu hút hàng trăm học viên tham gia học tập. Cùng với đó, ngành Văn hóa thường xuyên tổ chức các liên hoan, đêm diễn, hội thi, tạo không gian văn hóa để các CLB tham gia trình diễn, thực hành, chia sẻ kinh nghiệm Hát Xoan, nâng cao chất lượng hoạt động.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch- Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì giới thiệu Di sản Hát Xoan cho học sinh tới tham quan trải nghiệm.
Thiết thực bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Hát Xoan gắn với du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch đã triển khai tới Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hà Nội, tạo nên nhiều tuyến liên kết du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách đến thăm quan du lịch như: “Hành trình về nguồn”, “Du lịch liên kết - Vòng cung Tây Bắc”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ”; Chương trình du lịch quốc tế đường sông với loại hình “Du lịch văn hóa di sản- trải nghiệm làng nghề”...; liên kết với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ đón khách du lịch từ sân bay Nội Bài đến thăm quan du lịch, lưu trú tại Phú Thọ và thăm quan các tỉnh Tây Bắc. Cùng với đó, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch để tổ chức hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai các chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Di sản văn hóa luôn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế của Phú Thọ không chỉ đối với quốc gia mà còn cả trên trường quốc tế. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”; gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Di sản văn hóa được coi là nguồn tài nguyên giá trị không chỉ về mặt tâm linh mà cả phát triển kinh tế-xã hội. Những nghi lễ linh thiêng trong thực hành trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trải nghiệm độc đáo của Hát Xoan Phú Thọ, không khí lễ hội rộn ràng, háo hức với các trò chơi dân gian, ẩm thực đặc sắc gắn liền với truyền thuyết Vua Hùng lắng đọng những ấn tượng sâu sắc của hàng triệu du khách khi về với miền di sản cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo Phú Thọ