Chung tay gìn giữ di sản hát Xoan trên quê hương đất Tổ
“Mắt nào em nén trao anh/ Dao cau bổ dọc toang mành trời đêm/ Môi nào rót mật... say mềm/ Mà giờ rơi rớt bên thềm lắt lay. Tay tiên nâng chén ( ối, a) (ố mấy) đào, rượu đào; (ố mấy rằng) đổ ra (đi) đổ ra (thời, thì) tiếc, uống vào (thời, thì) uống vào. Uống vào ( thời, thì ) say, ố mới say, tình say”…
Ngay từ thuở còn thơ, người dân quê hương đất Tổ Vua Hùng (Phú Thọ) đã được đắm mình trong làn điệu xoan ngọt ngào, đằm thắm, rạo rực tình đất, tình người. Với họ, điệu xoan vừa là khúc tâm tình từ trong trái tim, vừa mang bóng dáng của hồn thiêng dân tộc.
Huyền thoại về hát Xoan Phú Thọ
Trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc Việt Nam, hát Xoan là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt, chỉ có ở vùng đất Tổ Hùng Vương. Tên gọi và nguồn gốc hát Xoan đều gắn liền với truyền thuyết về thời Hùng Vương dựng nước. Theo sử sách ghi lại, hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm, thường được tổ chức vào mùa Xuân để đón chào năm mới, không chỉ để ca hát mua vui mà còn để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an và cùng nhau chúc tụng Vua Hùng. Qua hàng nghìn năm lịch sử, hát Xoan cũng gắn liền với lễ hội và nhu cầu tâm linh trong cuộc sống của người dân.
Truyền thuyết xưa kể lại, vợ Vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày trở dạ, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với Vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, đàn giỏi, nên đón nàng về múa hát để làm vơi nỗi đau khi sinh nở. Giọng hát của nàng Quế Hoa trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún làm mê đắm lòng người. Vợ Vua Hùng mải nghe hát, xem múa quên đi đau đớn và hạ sanh được ba người con trai khôi ngô tuấn tú. Vua Hùng vui mừng khôn xiết, hết lời khen ngợi Quế Hoa, mời nàng dạy múa hát cho các Mỵ Nương. Quế Hoa thường hát chầu cho vợ Vua Hùng vào dịp đầu Xuân, nên các Mỵ Nương gọi lối hát ấy là hát Xoan. Và những điệu Xoan mê đắm lòng người ấy được được người dân trên quê hương đất Tổ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến tận ngày nay.
|
Hoạt động ngoại khóa truyền dạy và trình diễn hát Xoan của học sinh Trường THCS xã Kim Đức, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. |
Thừa hưởng di sản hát Xoan do đời trước truyền lại, hằng năm, nhằm ngày mồng một tháng một, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ trước Miếu Lãi Lèn, (xã Kim Đức, TP Việt Trì) và tại đình làng mình rồi cùng nhau lên hát ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng, báo công với các Vua Hùng, những người đã có công dựng nước. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần ba tháng. Trải qua bao thắng trầm của lịch sử, hát Xoan vẫn trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền. Và mỗi độ Tết đến Xuân về, vùng đất Tổ Vua Hùng lại rộn ràng những làn điệu Xoan truyền thống, làm vui lòng du khách thập phương.
Niềm vui chung của người dân đất Tổ
Ngày 24-11-2011, hát Xoan Phú Thọ được Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau hơn 6 năm nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, ngày 8-12-2017, hát Xoan chính thức được đưa ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, người dân đất Tổ, cùng các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ càng ý thức hơn trong việc trao truyền và lan tỏa sâu rộng di sản hát Xoan vào đời sống cộng đồng.
Mới đây, theo giới thiệu của thầy giáo Đào Trọng Hiển, Hiệu trưởng THCS Kim Đức, TP Việt Trì, chúng tôi có dịp tham quan buổi ngoại khóa: “Trường học gắn với di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ” do nhà trường tổ chức. Trong không gian linh thiêng giữa vùng đất Tổ Vua Hùng, gần 500 em học sinh các khối cùng ca lên những điệu Xoan ngọt ngào, đằm thắm, khiến cả không gian khu di tích Lãi Lèn cổ xưa như bừng sáng.
Nhìn các em học sinh của mình say sưa với làn điệu Xoan, thầy Hiển không khỏi tự hào: “Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan Phú Thọ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là điều đáng tự hào, là niềm vui chung của người dân Việt Nam nói chung, người dân đất Tổ nói riêng. Thực hiện mô hình: “Trường học gắn với di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ”, những năm qua, Trường THCS Kim Đức thường xuyên mời nghệ nhân ở các phường xoan gốc trên địa bàn đến truyền dạy hát Xoan cho học sinh trong giờ giáo dục tập thể. Cùng với đó, nhà trường cũng lồng ghép dạy hát Xoan trong giờ âm nhạc, giờ sinh hoạt lớp, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ. Ngoài việc đưa hát Xoan Phú Thọ vào chương trình giảng dạy, nhà trường còn thành lập Câu lạc bộ hát Xoan ở tất cả các khối. Không chỉ múa giỏi, hát hay, học sinh của nhà trường còn tích cực tham gia truyền dạy hát Xoan cho các em nhỏ ở địa phương, giúp cho di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ không ngừng lan tỏa sâu rộng, trở thành món ăn tinh thần của cả cộng đồng.
Trao đổi với ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phú Thọ, chúng tôi được biết, sau hơn hai năm triển khai mô hình: “Trường học gắn với di sản văn hóa”, hiện 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh thực hiện đưa hát Xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn Âm nhạc; đa số các trường có giáo viên biết trình diễn và dạy Hát Xoan. Các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động thành lập câu lạc bộ Hát Xoan. Đối với cấp trung học phổ thông, do trong chương trình giáo dục không có bộ môn Âm nhạc nên các trường chủ yếu tổ chức hát Xoan trong các hoạt động tập thể như: Sinh hoạt lớp, chào cờ hay trong các buổi ngoại khóa… Mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, trước hết là giúp nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hình thành nhân cách tốt đẹp trong đông đảo học sinh. Bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” nói chung, mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” nói riêng góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tường, mô hình trường học gắn bảo vệ các di sản văn hóa đã được ngành giáo dục Phú Thọ triển khai sâu rộng đến tất cả cấp học ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có 47 mô hình điểm phù hợp từng địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, giúp học sinh hiểu hơn về các giá trị truyền thống, giá trị trường tồn của các di sản văn hóa, có tác động to lớn đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Qua đó còn giúp nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.
Chung tay bảo tồn di sản quý
Trước đây, khi là di sản cần bảo vệ khẩn cấp, nhiệm vụ quan tâm hàng đầu là làm sao để di sản tồn tại và không bị biến mất. Bởi vậy, tỉnh Phú Thọ đã tập trung công tác phục hồi, tu bổ di tích và đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận. Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường Xoan đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh; 20/30 di tích không gian văn hóa thực hành hát Xoan được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đáp ứng yêu cầu thực hành di sản hát Xoan; các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì và phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận. Nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội, phường Xoan Phù Đức, Kim Đức bày tỏ: “Từ khi hát Xoan trở thành di sản đại diện của nhân loại, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ trẻ, để đưa Xoan lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng xã hội. Ở các làng Xoan cổ hiện đã hình thành ba thế hệ hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ đầy triển vọng. Đây chính là lực lượng nòng cốt, có thể thay thế các nghệ nhân cao niên để tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ khi hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hòa chung trong niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ là trăn trở làm sao tìm ra hướng đi tốt nhất, nhanh nhất để đưa hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Kết quả chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi hát Xoan được vinh danh, ngày 13-2-2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Chương trình Hành động về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012-2015”. Tiếp đó, ngày 7-11-2013, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013-2020” cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, tỉnh Phú Thọ đặc biệt chú trọng việc tu bổ, tôn tạo lại các di tích liên quan đến hát Xoan, tạo không gian riêng cho hát Xoan. Đến nay toàn tỉnh đã phục hồi 20 di tích gắn với hát Xoan. Riêng ở các làng Xoan gốc, 100% di tích đình, miếu gắn với Hát Xoan đã được phục hồi. Đặc biệt di tích Miếu Lãi Lèn là di tích gốc, là nơi phát tích của di sản hát Xoan đã được phục hồi và đưa vào sử dụng, di tích này vừa là nơi thờ tự, là nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy, thực hành nhưng cũng là nơi trưng bày như một “Bảo tàng” về hát Xoan và trở thành một điểm tham quan cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về di sản hát Xoan.
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phú Thọ, để đảm bảo hát Xoan Phú Thọ được bảo tồn bền vững, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí để các phường Xoan duy trì sinh hoạt thường xuyên và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Từ các phường Xoan gốc, khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành. Hiện toàn tỉnh có 34 câu lạc bộ cấp tỉnh/1.500 người tham gia thực hành hát Xoan. Hát Xoan còn được thực hành ở 64 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp huyện; 42 Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp xã. Để hỗ trợ các phường Xoan gốc, các câu lạc bộ, tỉnh triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truyền dạy và thực hành. Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Phú Thọ đã cấp hỗ trợ gần 300 triệu đồng cho 4 phường Xoan gốc và thành phố Việt Trì cấp bổ sung 25 triệu đồng cho mỗi phường. Tiếp tục nghiên cứu tư liệu hóa các bài hát Xoan, trong đó hoàn thành ký âm 31 bài Xoan cổ của 3 chặng hát; sản xuất các đĩa VCD, DVD ghi lại những hình ảnh hát Xoan do các nghệ nhân phường Xoan gốc biểu diễn để hỗ trợ các giáo viên truyền dạy được tốt hơn, bài bản hơn.
Có thể khẳng định, việc UNESCO chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn khẳng định thành quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Hát Xoan Phú Thọ đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn: qdnd