Khám phá bản sắc văn hóa Phú Thọ
Đám cưới của người Dao Tiền Phú Thọ - Một nét văn hóa truyền thống
Đưa cô dâu về nhà chồng
Người Dao Tiền tỉnh Phú Thọ thường hay sống ở những vùng núi non hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn như: Xuân Sơn, Đồng Sơn, Thu Cúc, Vinh Tiền (huyện Tân Sơn); Thượng Cửu, Khả Cửu, Tân Lập, Yên Lương, Yên Sơn (huyện Thanh Sơn).
Điều đặc biệt thú vị là trong đám cưới của người Dao Tiền, bộ váy cưới của Cô dâu có thể nặng tới 30kg đên 40 kg.
...Chuẩn bị của hồi môn2
Người Dao Tiền Phú Thọ còn gìn giữ nhiều phong tục, tập quán truyền thống văn hóa mang nét đặc trưng riêng của vùng bán sơn địa, đặc biệt các nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của một đời người, trong đó có lễ cưới hỏi.
Truyền thống thủy chung một vợ một chồng trong hôn nhân đã khẳng định một nguyên tắc hôn nhân của người Dao Tiền trong dòng tộc. Kết hôn rất coi trọng việc chọn ngày cưới và xem tuổi của cô dâu, chú rể. Nếu đôi trẻ hợp tuổi, người con trai thỉnh thoảng sang nhà gái giúp đỡ việc ruộng, vườn, việc nhà trong thời gian 3 tháng có khi là cả năm, một hình thức trả công bố mẹ vợ đã nuôi nấng con gái để gả cho mình và xem nhà gái có ưng thuận chàng rể tương lai không.
Nghi lễ truyền thống của người Dao Tiền có Lễ dạm hỏi và 3 nghi lễ chính: Lễ xin dâu, lễ cắt khẩu và lễ nhập khẩu cho cô dâu.
Phong tục ngủ mơ: Nhà trai cử ông mối (là một thầy cúng có uy tín trong họ tộc), bà mối (là một cháu gái từ 8-12 tuổi, là con cháu của anh em trong họ tộc). Cháu gái là bà mối sang nhà gái để “ngủ mơ” và đón dâu về. Nếu mơ thấy điềm tốt thì hôm sau mới được đón dâu và tổ chức lễ cưới, thấy điềm xấu thì đám cưới phải chọn rời sang ngày khác.
...Lễ xin dâu
Lễ xin dâu được thực hiện ở nhà gái, nhà trai chuẩn bị đồ lễ đưa sang nhà gái, đặt ở giữa nhà để thầy cúng (là ông mối) làm lễ báo cáo với tổ tiên nhà trai, xin phép được đưa đồ lễ dẫn cưới sang nhà gái. Cô dâu mặc xong trang phục thì ngồi trên ghế ở cửa nhìn ra cổng, bên cạnh là người dẫn dâu và bà mối. Thầy cúng đứng sau lưng cô dâu, đọc lời cúng chúc phúc cho cô dâu về nhà chồng được bình an, khỏe mạnh, may mắn. Nếu đôi vợ chồng nào có con rồi thì làm lễ cho con trước, thầy cúng hoặc người lớn tuổi trong gia đình cúng cầu cho cháu bé khỏe mạnh, đi đường may mắn, bình yên, sau đó bên nhà trai đưa cháu bé về trước, rồi mới đón cô dâu đi sau.
...lễ cắt khẩu
Lễ cắt khẩu cho cô dâu được tiến hành vào buổi tối bên nhà gái cùng với Lễ nhận đồ dẫn cưới của nhà trai. Nhà gái chuẩn bị mâm cúng gồm thịt muối chua, cơm, rượu để báo cáo tổ tiên. Cúng xong, đoàn nhà trai đưa lễ vào trong nhà, sau đó họ lấy một ít thịt lợn luộc (mang sẵn từ nhà trai sang) bổ sung vào các mâm cơm nhà gái đang ăn (mang tính chất phục vụ nhà gái), rồi ngồi vào ăn cơm cùng. Sau bữa cơm, nhà gái để 2 cái bàn ở gian giữa nhà, trước bàn thờ tổ tiên, bày các lễ vật của nhà trai mang sang.
Chú rể mặc trang phục truyền thống, dâng rượu, làm lễ xin cô dâu và nhận các anh, chị ruột, các anh rể, chị dâu của bên nhà gái.
Người cúng lễ lạy 12 lạy xin tổ tiên nhận chú rể, báo cáo tổ tiên phù hộ cho cô dâu, chú rể có cuộc sống đầy đủ, mạnh khỏe, hạnh phúc, con cái khôn ngoan, hòa thuận.
Trưởng đoàn nhà trai trao tiền đặt lễ cho nhà gái, sau đó nhà gái trao nhân khẩu của cô dâu cho nhà trai (tượng trưng là 2 túm thịt lợn sống và 02 bát rượu) và dăn dạy cô dâu, chú rể cách ăn ở, đối xử với bố mẹ và anh chị em họ hàng hai bên.
....Lễ nhập khẩu
Lễ nhập khẩu cho cô dâu được thực hiện ngay trong đêm khoảng từ 22h đến 23h, trong trường hợp xa xôi cách trở thì thầy cúng viết một tờ sớ khấn cầu Thần Gió chuyển đến nhà trai (theo như bộ tranh cúng của người Dao Tiền thì họ thờ tất cả các thần linh trên trời, ở mặt đất và dưới âm phủ). Người nhà của chú rể đem một bộ khăn, áo, váy và một số vật dụng thường ngày của cô dâu (những vật dùng gọn nhẹ) sang nhà trai. Nhà trai chuẩn bị 1 mâm lễ vật để cúng nhập khẩu cho cô dâu.
Sáng sớm hôm sau, trước khi nhà trai rước dâu, những người thân thuộc của cô dâu chuẩn bị váy áo, của hồi môn để đem về nhà chồng (gồm chăn màn, quần áo, các vật dụng cần thiết phục vụ sản xuất, sinh hoạt của gia đình tùy theo điều kiện của từng gia đình, dòng họ). Mẹ búi tóc cho cô dâu, đeo hoa tai, vòng tay, vòng cổ. Các bà, bác, cô, chị bên nhà gái quấn khăn đội đầu mặc áo váy cho cô dâu. Đầu tiên là mặc bộ trang phục do mẹ cô dâu chuẩn bị, sau đó đến bộ trang phục của nhà trai mang sang, tiếp đến là áo váy của cô dâu tự may, ngoài cùng là áo váy của anh em, cô, dì tặng (người Dao Tiền có quan niệm, cô dâu mặc nhiều áo, váy là nhận được nhiều sự quan tâm, yêu thương của họ hàng và nhận được sự che chở khỏi tà ma không làm hại khi đi trên đường xa, núi non hiểm về nhà chồng). Cô dâu được mặc tầng tầng lớp lớp, khi nào không mặc được nữa thì cứ thế phủ lên người. Nếu cô dâu lấy chồng trong bản thì vẫn mặc nguyên váy áo đã khoác trên người sang nhà chồng (có 4 người dìu và nâng cô dâu vì số khăn, áo, váy có thể nặng tới 30,40kg).
Sau khi cô dâu được ra khỏi nhà thì thầy cúng của nhà trai làm lễ vái 4 phương 8 hướng cầu mong Thần linh phù hộ, che chở cho cô dâu và mọi người trong đoàn đi đến nơi, về đến chốn.
Lễ lại mặt sau khi cưới từ 1 tháng đến 4 tháng, nhà trai tổ chức đi lại mặt. Thành phần gồm bố mẹ chú rể, cô dâu chú rể và 2 người anh em. Lễ vật mang đi gồm: 1 con lợn từ 4kg trở lên hoặc 1 con gà (tùy theo điều kiện từng gia đình), rượu, bánh rán mang đến nhà gái.
NSNA ÚT MƯỜI