Dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ
Ngày 28/1/2023 (tức mùng 7 tháng Giêng - ngày “Tiên giáng”), tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Công Thủy và các đại biểu dâng hương tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ
Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Trung Kiên - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo huyện Hạ Hoà và các huyện, thành, thị trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Công Thủy dâng trà trong hậu cung
Trước anh linh Tổ Mẫu Âu Cơ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Hạ Hòa cùng các đại biểu đã dâng hương tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ, cầu mong Tổ Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân có cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc.
Đoàn rước kiệu, lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ
Phần lễ được bắt đầu với nghi thức rước kiệu, lễ vật từ đình Đức Ông về đền Mẫu Âu Cơ. Đoàn rước di chuyển trong tiếng trống, tiếng nhạc, bát âm sáo nhị, tiếng phách vang lừng.
Đi đầu đoàn rước là đội cờ Tổ quốc, cờ hội, tiếp đến là các thiếu nữ mang tráp hương hoa, trầu cau, đội nhạc, cờ hội, đội chấp kích, bát bửu, kiệu văn, kiệu ngai, đội tế nữ. Sau kiệu là những vị chức sắc, các bô lão, các đại biểu và dân làng đi trẩy hội.
Đoàn rước gồm các thiếu nữ mang tráp hương hoa, trầu cau
Rước kiệu Văn
Rước kiệu Ngai
Đội bát bửu
Phó Bí thư Thường trực Hoàng Công Thủy và các đại biểu tham gia đoàn rước
Sau khi đoàn rước về đến sân đền Mẫu, lễ dâng hương và lễ vật bắt đầu. Sau lễ dâng hương và lễ vật là lễ tế nữ quan - (phần chính của lễ). Đội tế nữ gồm 21 cô gái thanh tân, có sức khỏe, nhanh nhẹn, phẩm hạnh tốt, gia đình không có vướng bụi, được dân làng lựa chọn.
Lãnh đạo huyện Hạ Hòa nổi chiêng, trống khai lễ
Nghi thức dâng lễ vật lên Tổ Mẫu Âu Cơ
Trong tiếng trống chiêng trầm hùng, tiếng nhạc bát âm réo rắt, nghi thức tế lễ diễn ra hết sức trang nghiêm
Các cô gái trong đội tế đều mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa, Chủ tế mặc trang phục màu đỏ
Chủ tế hóa chúc văn tưởng nhớ công đức Tổ Mẫu Âu Cơ
Ngay sau khi kết thúc phần lễ, các đại biểu, nhân dân và du khách đã kính cẩn thắp hương tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ.
Các đại biểu dâng hương tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ
Hàng nghìn người dân, du khách về dâng hương tưởng nhớ Tổ Mẫu Âu Cơ
Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là lễ hội lớn, mở đầu cho nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong dịp đầu năm mới. Phần lễ được tổ chức ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm, thành kính theo nghi thức truyền thống.
Ngoài phần lễ, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc…
Trận thi đấu bóng chuyền sôi nổi giữa đội xã Yên Kỳ và xã Gia Điền
Theo truyền thuyết, vào ngày 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, gặp gỡ và kết duyên với Lạc Long Quân, sinh ra bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con trai. 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, người con cả lên ngôi vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. 49 người con còn lại cùng mẹ Âu Cơ đi tiếp qua nhiều vùng khác nhau. Đến xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, thấy nơi đây sơn thủy hữu tình, thiên nhiên tươi đẹp, đất đai màu mỡ… mẹ Âu Cơ liền dừng chân lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã ổn định, nhân dân đã biết khai khẩn ruộng nương sinh sống, Mẹ Âu Cơ đã chọn ngày 25 tháng Chạp cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa. Chính tại nơi đó, nhân dân đã dựng ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói. Từ đó hằng năm, nhân dân lấy mùng 7 tháng Giêng là ngày “Tiên giáng” và ngày 25 tháng Chạp là ngày “Tiên thăng”.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và huyện Hạ Hòa cùng với sự thành tâm công đức của các tổ chức, cá nhân, Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ đã từng bước được tôn tạo, tu bổ, xứng đáng là nơi hội tụ của con cháu từ khắp mọi miền đất nước tìm về cội nguồn dòng giống Tiên Rồng, theo đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Nguồn: PhuthoPortal