1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý
Lâm Thao là huyện đồng bằng thuộc tỉnh Phú Thọ được tái lập (từ huyện Phong Châu) theo Nghị định 59/1999/NĐ-CP ngày 24/7/1999 của Chính phủ. Theo đó, Lâm Thao có có diện tích tự nhiên khoảng 12.534 ha và 122.038 nhân khẩu, gồm 17 đơn vị hành chính.
Tiếp đó, theo Nghị định số 32/2003/NĐ-CP ngày 01/04/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Phú Thọ, xã Hà Thạch của huyện Lâm Thao được chuyển về thị xã Phú Thọ.
Đến năm 2006, theo Nghị định số 133/2006/NĐ-CP ngày 10/11/2006 của Chính phủ, 3 xã: Hy Cương, Chu Hoá và Thanh Đình được chuyển về thành phố Việt Trì.
Đến nay, huyện Lâm Thao có tọa độ địa lý trong khoảng 21015’ - 21024’ độ vĩ Bắc và 105014’ - 105021’ độ kinh Đông, có diện tích tự nhiên 9.769,11 ha. Vị trí địa lý tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Phù Ninh và thành phố Việt Trì
- Phía Đông giáp thành phố Việt Trì
- Phía Nam giáp huyện Tam Nông và huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội)
- Phía Tây giáp thị xã Phú Thọ và huyện Tam Nông.
Huyện có 14 đơn vị hành chính gồm 12 xã và 2 thị trấn, trong đó có 3 xã, thị trấn là miền núi và 11 xã, thị trấn là đồng bằng. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Lâm Thao cách thành phố Việt Trì khoảng 10 km về phía Tây. Trên địa bàn huyện có các tuyến giao thông chính: Quốc lộ 32C với chiều dài 14 km nối thông giữa Quốc lộ 2 với Quốc lộ 32A. Ngoài ra, còn có 5 tuyến Tỉnh lộ 320, 324, 324B, 324C, 325B có tổng chiều dài 52,5 km và 5 tuyến huyện lộ dài 18,50 km, tuyến đường thủy trên sông Hồng chảy dọc phía Tây trên địa bàn huyện dài 28 km từ Xuân Huy đến Cao Xá.
Với vị trí địa lý có hệ thống giao thông khá thuận lợi nên huyện Lâm Thao là của ngõ giữa miền núi và vùng đồng bằng, đồng thời là cửa ngõ quan trọng giữa thành phố Việt Trì với các tỉnh phía Bắc, có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá, khoa học công nghệ giữa các địa phương trong và ngoài huyện, vận chuyển và trung chuyển để tiêu thụ hàng hóa thuận tiện. Đặc biệt với vị trí trên, Lâm Thao đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phân bố đất cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đô thị và hấp dẫn các dự án đầu tư.
1.2. Địa hình
Lâm Thao có địa hình tương đối đa dạng tiêu biểu của một vùng bán sơn địa: có đồi, đồng ruộng của một số xã phía Bắc và cánh đồng rộng có địa hình khá bằng phẳng ở một số xã phía Nam. Nhìn chung Lâm Thao có địa hình thấp, độ cao trung bình 30 – 40 m so với mặt nước biển; địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông
Theo kết quả phân độ dốc, độ dốc chủ yếu của huyện dưới 30; được phân bố ở tất cả các xã và thị trấn trong huyện, tập trung nhiều ở các xã Cao Xá, Tứ Xã, Vĩnh Lại, Tiên Kiên, Sơn Vi...
Địa hình của huyện Lâm Thao phong phú, đa dạng thuận lợi trong việc sử dụng đất vào sản xuất nông lâm nghiệp, bố trí kế hoạch xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, tiểu thủ công nghiệp
1.3. Khí hậu
Huyện Lâm Thao chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đặc điểm chính về khí hậu thời tiết của huyện như sau:
- Nhiệt độ bình quân cả năm 230C, trong đó nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 290C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 140C. Nền nhiệt độ được phân hoá theo mùa khá rõ rệt, trong năm có 4 tháng nhiệt độ trung bình nhỏ hơn 200C (tháng 12 đến tháng 3 năm sau); tổng tích ôn đạt trên 8.5000C. Đây là yếu tố thích hợp cho việc bố trí cơ cấu cây trồng ngắn ngày tương đối đa dạng, đặc biệt đối với một số rau màu thực phẩm ưa nền nhiệt thấp và các loại cây ăn quả nhiệt đới.
- Lượng mưa bình quân hằng năm 1.720 mm nhưng phân bố không đồng đều. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 10, lượng mưa chiếm khoảng 85% tổng lượng mưa cả năm, đặc biệt tập trung vào các tháng 7, 8, 9 nên thường gây úng ngập cục bộ ở các vùng thấp trũng. Các tháng 11 đến tháng 4 lượng mưa ít, chiếm 15% lượng mưa cả năm.
- Lượng bốc hơi bình quân 1.284 mm/năm, bằng 70% lượng mưa trung bình hàng năm. Đặc biệt trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau lượng bốc hơi hàng tháng cao hơn lượng mưa từ 2 - 4 lần, gây khô hạn cho cây trồng trong vụ đông xuân.
- Độ ẩm không khí bình quân cả năm khoảng 85%, tuy nhiên trong mùa khô, độ ẩm trung bình giảm khá mạnh chỉ còn khoảng 77%.
- Gió: Hướng gió chủ đạo mùa hè là hướng Đông và hướng Đông Nam, mùa đông là hướng Đông Bắc; tốc độ gió trung bình là 1,6m/s.
- Lốc xoáy có 2 - 3 cơn trong một năm và thường đi kèm các cơn mưa lớn từ 200 - 300 mm gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
1.4. Thủy văn
Chế độ thuỷ văn của các sông, ngòi ở Lâm Thao phụ thuộc chủ yếu vào chế độ thủy văn của sông Hồng. Từ tháng 4 khi lượng mưa bắt đầu tăng lên thì mức nước sông, ngòi cũng tăng lên và đạt đỉnh vào các tháng 7 và 8, sau giảm dần vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Mùa lũ trên các sông ở Lâm Thao bắt đầu tương đối đồng nhất về thời gian, thường từ tháng 6 đến tháng 9. Tuy nhiên, có năm lũ xuất hiện sớm hoặc muộn hơn nhưng chỉ dao động trong khoảng 1 tháng với tần suất không lớn. Lượng nước trên các sông trong mùa lũ thường chiếm khoảng 75-85% tổng lượng dòng chảy trong cả năm và phân phối không đều trong các tháng, lưu lượng lớn nhất thường xuất hiện vào tháng 7. Trong mùa kiệt lượng nước thường chỉ chiếm 20-25% tổng lượng dòng chảy trong năm. Tháng có lưu lượng nhỏ nhất thường xảy ra vào các tháng 1, 2 hoặc 3, đây là khó khăn cho sản xuất nông nghiệp do thiếu nước.
Tóm lại, với đặc điểm địa hình đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa có pha cận nhiệt đới là lợi thế để phát triển nền nông nghiệp đa dạng với nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.
2. Các nguồn tài nguyên
2.1. Tài nguyên đất
Đất đai của Lâm Thao được chia thành hai nhóm có nguồn gốc phát sinh khác nhau đó là nhóm đất đồng bằng, thung lũng và nhóm đất đồi gò.
Nhóm đất đồng bằng hình thành trên vùng đất phù sa cũ của hệ thống sông Hồng và hình thành dựa trên quá trình tích tụ các sản phẩm rửa trôi và quá trình glây hóa. Trong khi đó nhóm đất gò lại hình thành và phát triển trên nền đá mẹ biến chất, gơnai lẫn pecmatic và phiến thạch mica chịu sự tác động của quá trình Feralictic là chủ yếu.
Tổng diện tích tự nhiên của Lâm Thao là 9.769,11 ha, trong đó diện tích đã được điều tra lập bản đồ thổ nhưỡng là 7.692 ha, chiếm 78,74% tổng diện tích tự nhiên.
- Nhóm đất đồng bằng, thung lũng
Với diện tích 7.158 ha, chiếm 93,06% tổng diện tích điều tra và chiếm 73,27% diện tích tự nhiên được chia thành 5 loại đất:
+ Đất cát chua: Diện tích 996 ha, phân bố ở Cao Xá, Vĩnh Lại, Xuân Huy… Đất nghèo dinh dưỡng, độ phì của đất ở mức thấp đến trung bình. Trên đơn vị đất này hiện đang được áp dụng các loại hình sử dụng đất như: 2 vụ lúa – 1 vụ màu, 2 vụ lúa hoặc chuyên màu…
+ Đất phù sa trung tính ít chua: Có diện tích 3703 ha, phân bố ở Thạch Sơn, Bản Nguyên, Tứ Xã, Vĩnh Lại… là loại đất có độ phì cao và có tiềm năng sử dụng đa dạng có thể trồng được 2 hoặc 3 vụ/năm, với nhiều loại cây trồng như: lúa, ngô, đậu đỗ, khoai lang, khoai tây, các loại rau đều cho năng suất, sản lượng cao.
+ Đất phù sa chua: Diện tích 1569 ha, phân bố ở Thạch Sơn, Sơn Vi, Cao Xá… Đặc điểm chung của loại đất này có phản ứng từ chua đến rất chua. Hạn chế lớn nhất của loại đất này là chua ở tầng mặt. Vì vậy trong quá trình sử dụng đất cần chú ý khử chua, cải tạo đất đồng thời có biện pháp thâm canh, bón phân hợp lý.
+ Nhóm đất có tầng sét loang lổ: Có diện tích 248 ha, phân bố chủ yếu ở các xã ven sông Hồng. Loại đất này có độ phì thấp, có thể trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô… nhưng cần chú ý đến chế độ bón phân hợp lý.
+ Đất thung lũng và đất phù sa xen giữa đồi núi: Có diện tích 642 ha, phân bố chủ yếu tại xã Xuân Lũng, Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn…
- Nhóm đất đồi gò (đất địa thành)
Nhóm đất này có diện tích khoảng 534 ha, chiếm 6,94% diện tích điều tra, chiếm 5,47% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã ở vùng Đông Bắc của huyện như Tiên Kiên, Xuân Lũng, thị trấn Hùng Sơn… Độ phì của đất thấp, hàm lượng chất hữu cơ, đạm, lân, Kali tổng số, lân dễ tiêu nghèo, dung tích hấp thụ của đất thấp. Đối với loại đất này, ở những nơi ít dốc có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp, trồng sắn, ngô,… còn lại nên trồng rừng như bạch đàn, keo,… và cần thực hiện các biện pháp bảo vệ, chống thoái hóa đất như phủ xanh thường xuyên, bón đủ phân và giữ ẩm cho đất.
2.2. Tài nguyên nước
Tài nguyên nước của huyện Lâm Thao được cung cấp chủ yếu bởi 3 nguồn chính là nước mặt, nước ngầm và nước mưa tự nhiên.
- Nước mặt: Có nguồn chính từ các sông, ngòi, ao, hồ, đầm lớn nhỏ phân bố khắp các xã trong huyện. Đặc biệt huyện có sông Hồng chảy qua 8 xã, thị trấn, trữ lượng nước của sông Hồng lớn. Đây là nguồn cấp nước quan trọng cho sản xuất và đời sống của nhân dân và còn có tác dụng điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái và phát triển nguồn lợi thủy sản, giao thông đường thủy…
- Nước ngầm: Nước ngầm được khai thác sử dụng cho công nghiệp của các nhà máy và được lấy từ giếng khoan, giếng đào để cung cấp nước sinh hoạt cho mỗi nhà dân, nước ngầm của huyện tương đối dễ khai thác và chất lượng tốt. Mặc dù vậy chất thải công nghiệp của các nhà máy chưa được xử lý tốt nhưng chưa có dấu hiệu ô nhiễm đến nguồn nước ngầm. Đây là nguồn tài nguyên quý, cần được bảo vệ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả.
- Nước mưa: Với trữ lượng nước mưa trung bình 1.720 mm trong năm, đây là nguồn nước bổ sung cho các ao, hồ đầm và cho các sinh hoạt khác của nhân dân. Nước mưa là nguồn cung cấp chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là đối với các cây trồng lâu năm và rừng sản xuất, địa hình phức tạp, khó tưới nhân tạo.
2.3. Tài nguyên rừng
Theo kết quả kiểm kê và thống kê đất đai năm 2010 diện tích đất lâm nghiệp của huyện có 242,91 ha, chiếm 4,15% diện tích đất tự nhiên (đất rừng sản xuất chiếm 100% diện tích đất lâm nghiệp). Tài nguyên rừng của Huyện có chất lượng không cao, diện tích rừng chủ yếu là rừng trồng mới, rừng tái sinh chưa đến tuổi được khai thác. Trong những năm gần đây, công tác quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện khá tốt, nên diện tích rừng của Huyện đang từng bước được phục hồi. Rừng hiện đang góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ nước, cải thiện cảnh quan khu vực, hạn chế quá trình xói mòn rửa trôi và ngăn cản lũ. Hoạt động của sản xuất lâm nghiệp về cơ bản đã phát triển kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại, nhiều hộ từng bước đi lên làm giàu bằng kinh tế đồi rừng.
2.4. Tài nguyên khoáng sản
Lâm Thao là huyện nghèo về tài nguyên khoáng sản và nhỏ bé về trữ lượng, một số loại khoáng sản chủ yếu trên địa bàn là: Cao lanh ở Xuân Lũng và thị trấn Hùng Sơn, Nước khoáng ở xã Tiên Kiên, cát sông hồng và mỏ sét làm vật liệu xây dựng thông thường ở các xã Cao Xá, Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Kinh Kệ, Hợp Hải … Do trữ lượng của các mỏ nay ít nên chủ yếu là khai thác và sản xuất tại chỗ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trên địa bàn như: Sản xuất gạch nung, cát, đất phục vụ san nền đắp nền công trình …
2.5. Tài nguyên nhân văn
Lâm Thao là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và có bề dầy văn hóa lâu đời. Trên địa bàn huyện còn bảo tồn được nhiều di sản văn hóa có giá trị, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Toàn huyện hiện có 107 các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Có 49 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa các cấp trong đó: 30 di tích cấp Tỉnh; 19 cấp Quốc gia.
Người dân Lâm Thao với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, hiếu học đang ra sức lao động và học tập để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và là một trong những nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng, khơi dậy sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới. Tuy nhiên, sự tiếp cận của người dân với xã hội thông tin, kỹ thuật hiện đại còn có những hạn chế, dân cư trong nông thôn chiếm tỷ lệ cao, lao động chủ yếu là nông nghiệp, trình độ tay nghề và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, đây là khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
3. Thực trạng môi trường
Môi trường của huyện cơ bản còn trong lành, tuy nhiên tại một số khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản, khu đô thị và các hoạt động sản xuất nông nghiệp đang trực tiếp hoặc gián tiếp gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước. Cụ thể:
- Môi trường nước:
Cùng với gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển dịch vụ và hạ tầng trong những năm gần đây việc khai thác và sử dụng nước mặt, nước ngầm tăng nhanh dẫn đến suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước. Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chất lượng nước mặt và nước ngầm xung quanh khu vực nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ cho thấy nước mặt và nước ngầm ở đây đều độc. Các ao hồ có hàm lượng cao NH4+, đồng, sắt, măngan, asen, chì - là những kim loại nặng có khả năng tích lũy nhiều trong cơ thể và gây ngộ độc mạn tính, dẫn đến nhiều bệnh tật cực kỳ nguy hiểm. Các mẫu nước giếng được khảo sát có độ pH thấp hơn tiêu chuẩn về nước ngầm và nước sinh hoạt. Chỉ tiêu vi sinh và một số kim loại cũng không đạt yêu cầu. Trầm tích đáy ở các giếng này đều có lượng chì rất cao, thậm chí một giếng còn có lượng chì cao gần gấp 3 tiêu chuẩn tối đa cho phép. Không chỉ môi trường nước bị ô nhiễm mà cả nông phẩm sản xuất ở khu vực này cũng nhiễm độc. Các mẫu cá được kiểm nghiệm đều có hàm lượng kim loại như sắt, kẽm tương đối cao. Kim loại cũng có trong các mẫu rau trồng cạnh bãi xỉ của nhà máy Lâm Thao, thậm chí trong mẫu rau của một gia đình có lượng asen cao gấp đôi tiêu chuẩn. Đáng sợ nhất là sự có mặt của nguyên tố phóng xạ Thalium trong rau muống trồng cạnh mương dẫn nước thông với mương thoát nước xỉ của nhà máy Lâm Thao, với hàm lượng cao gần gấp đôi tiêu chuẩn cho phép.
- Môi trường không khí:
Môi trường không khí bị ô nhiễm do bụi, hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng và đun nấu bếp trong dân đặc biệt là khí thải từ hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành khảo sát không khí ở vùng xung quanh các nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ cho thấy, không khí ở đây đang bị đầu độc nghiêm trọng bởi các loại khí thải như SO2, SO3, chì, H2S, NH3, HCl, HF, NO2... với hàm lượng vượt chuẩn cho phép. Chất độc lan tỏa trong không khí, theo hướng gió tới làm bẩn các hộ dân trong vùng dân cư. Ngoài ra, khí thở ở Thạch Sơn còn phải tiếp nhận khói từ 90 lò gạch và mùi hôi ở các cửa xả nước thải nhà máy giấy Bãi Bằng ra sông Hồng (đầy khí H2S). Trong khảo sát trên, Bộ Tài nguyên môi trường còn kiểm tra chất lượng môi trường tại 15 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Kết quả là các mẫu không khí, nước, chất thải... đều ô nhiễm nặng về kim loại, chất dinh dưỡng, chất hữu cơ, pH, phenol... Ngay cả ở thời điểm ngừng hoạt động, lượng chì trong không khí khu vực nhà máy Pin ắc quy vẫn là 0,23 mg/kg, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,05 mg/m3.
- Môi trường đất:
Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến dư lượng thuốc trong đất và trong nông sản trở thành mối nguy hại đối với sức khỏe và môi trường. Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ Thực vật, hàng năm có trên 38 loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phổ biến. Trong đó có 15 loại thuốc trừ sâu bệnh hại chính, 18 loại hóa chất phổ biến và các loại hóa chất khác. Ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật rất độc với mọi sinh vật, tồn dư trong môi trường đất, nước, tiêu diệt cả các sinh vật có lợi, gây ảnh hưởng xấu đến an toàn thực phẩm cũng như sức khoẻ con người và môi trường.
- Vấn đề thu gom và xử lý chất thải rắn:
Chất thải rắn đô thị và các khu công nghiệp vẫn là vấn đề bức xúc. Lượng phát thải rắn sinh hoạt bình quân từ 0,45 - 0,5 kg/người/ngày; Việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như công nghiệp vẫn phải xử lý bằng đốt và san lấp chưa mang đến khu xử lý tập trung; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại mới được tiến hành nhưng vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý riêng, một phần vẫn được thu gom cùng rác thải công nghiệp, một phần được chôn lấp tại cơ sở hoặc đốt thủ công.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ