Vị trí địa lý - Diện tích đất đai
Vị trí địa lý
Phú Thọ là một tỉnh Trung du miền núi phía Bắc của Việt Nam, có vị trí trung tâm vùng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Tỉnh Phú Thọ nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh (Trung Quốc), phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây tiếp giáp thành phố Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hoà Bình, phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang. Phú Thọ cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km, cách Trung tâm thành phố Hà Nội 80km, cách cảng Hải Phòng 170km, cách cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu (giữa Lào Cai - Việt Nam và Vân Nam - Trung Quốc) và cửa khẩu Thanh Thủy – Lạng Sơn 200km và là nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô
Vị trí địa lý của Phú Thọ đã tạo cho Phú Thọ có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng to lớn để sản xuất kinh doanh, giao lưu, phát triển kinh tế với cả trong nước và ngoài nước.
Phú Thọ còn là mảnh đất cội nguồn, vùng đất tổ của dân tộc Việt Nam. Tại đây có đền thờ các Vua Hùng và hệ thống di tích lịch sử, lễ hội dày đặc, mỗi lễ hội có một sắc thái riêng đặc sắc và độc đáo, là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.
Diện tích đất đai
Diện tích đất tự nhiên 3.532 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 97.610 ha, đất rừng là 195.000 ha với 64.064 ha rừng tự nhiên, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 10.000 ha, các loại đất khác là 19.299 ha.
Địa hình khí hậu - Dân số lao động - Đơn vị hành chính
Địa hình khí hậu
Phú Thọ nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23°C, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700 mm, độ ẩm trung bình năm khoảng 86%; có 2 tiểu vùng chủ yếu gồm:
+ Tiểu vùng núi cao phía Tây và phía Nam của tỉnh, chủ yếu thuộc các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, phía Tây huyện Cẩm Khê….. là vùng có nhiều tiềm năng phát triển về lâm nghiệp, khai thác khoáng sản.
+ Tiểu vùng đồi gò thấp, xen kẽ đồng ruộng, dải đồng bằng ven các triền sông Hồng. sông Lô và Sông Đà. Đây là vùng thuận lợi cho việc trồng các loại cây nguyên liệu giấy, cây lương thực, cây công nghiệp dài ngày như chè, cây ăn quả; thuận lợi cho phát triển chăn nuôi và nuôi trông thuỷ sản Có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp phù trợ, công ngiệp chế biến…
Dân số lao động
Tỉnh Phú Thọ có trên 1,4 triệu người với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống. Số người trong độ tuổi lao động khoảng 800.000 người (60% dân số) trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm 65%, lao động qua đào tạo trên 40%.
Đơn vị hành chính
Tỉnh Phú Thọ có 13 huyện, thành, thị gồm thành phố Việt Trì (là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh Phú Thọ và là thành phố về miền lễ hội cội nguồn các dân tộc Việt Nam), thị xã Phú Thọ và các huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Hạ Hoà, Thanh Ba, Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh.
Kinh tế - Văn hóa, xã hội
Kinh tế
Trong 5 năm (2005-2010), tỉnh Phú Thọ đã đạt mức tăng trưưởng¬ khá, GDP bình quân đạt 10,6% /năm; quy mô của nền kinh tế tăng 2,24 lần so với năm 2005 ; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 11,8 triệu đồng (tương đương với 637USD), tăng 2,2 lần so với 2005 ; Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao đông chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng đạt 38,6%, Nông - Lâm nghiệp: 25,6%, Dịch vụ: 35,8% (năm 2010).
Văn hóa, xã hội
Giáo dục đào tạo phát triển, chất lượng giáo dục được nâng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập ; quy mô dào tạo của các trường đại học và cao đẳng day nghề tiếp tục được mở rộng, tăng 21,1% so với năm 2005. Mạng lưới y tế các tuyến được củng cố, 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, giải quyết việc làm cho 90,7 nghìn người. Kết cấu hạ tầng được đầu tư và phát triển mạnh, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia và có điện thoại ; 100% số trạm y tế xã có bác sỹ và 100% thôn bản có cán bộ y tế; năm 2007 đã hoàn thành xóa nhà tạm cho hộ nghèo.
Với kết quả đã đạt được, tỉnh Phú Thọ từ một trung tâm công nghiệp cũ trở thành một trung tâm công nghiệp mới của miền Bắc Việt Nam. Được coi là một trong 14 trung tâm vùng của cả nước, hiện đang giữ vị trí trung tâm vùng về công nghiệp, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp như : chè, nguyên liệu giấy, thủy sản