Giữ "hồn" Xoan
Xã Kim Đức, thành phố Việt Trì được xem là “chiếc nôi” của nghệ thuật hát Xoan với sự tồn tại và hoạt động của nhiều phường Xoan cổ. Những nghệ nhân nơi đây đang ngày ngày bảo vệ và phát huy nét đẹp của hát Xoan, trao truyền những câu hát cổ cho các thế hệ kế cận, tiếp nối mạch nguồn quá khứ tới hiện tại, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp.
Kim Đức hiện có 3 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đái và Thét. Các nghệ nhân cao tuổi nhất cũng không nhớ ba phường Xoan hình thành từ bao giờ. Chỉ biết rằng qua nhiều biến thiên của lịch sử, người dân vẫn ưa thích ngâm nga những câu Xoan cổ. Lâu dần hát Xoan đã trở thành đặc trưng của vùng đất Kim Đức, các trùm phường, đào, kép Xoan trao truyền thế hệ, nối tiếp nhau gìn giữ hát Xoan cổ tới tận ngày nay.
Cụ Nguyễn Xuân Hội - Trùm phường Xoan Phù Đức chia sẻ: Hiện nay việc truyền dạy hát Xoan cho các thế hệ kế cận vẫn được duy trì. Thường là vào tối thứ bảy, chủ nhật chúng tôi lại tổ chức dạy hát Xoan ở các nhà văn hoá khu hoặc chính tại nhà mình. Người đến học nhiều lứa tuổi, trung niên có, thanh niên và thiếu nhi cũng tới. Hiện tại phường Xoan Phù Đức đã hình thành ba thế hệ hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, lớp nghệ nhân kế cận và các đào, kép trẻ triển vọng. Đối với phường Xoan Phù Đức nói chung và các phường Xoan cổ khác, nhiệm vụ truyền dạy các điệu Xoan cổ, truyền tình yêu với hát Xoan cho thế hệ sau này được coi là quan trọng nhất.
Được biết hiện nay, lớp thiếu nhi ở Kim Đức đa phần đều biết hát Xoan. Những câu hát, điệu múa Nhập tịch, Bỏ bộ… được các em thuộc làu. Các đào, kép cũng uốn nắn từng động tác, dáng hình để bài diễn của lớp Xoan “nhí” được mềm mại, hấp dẫn hơn.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhang năm nay đã 77 tuổi, thuộc lớp nghệ nhân cao niên nhất nhì phường Xoan nhớ lại: Những làn điệu Xoan vẫn được các đào, kép chúng tôi dạy truyền miệng lại cho chính con, cháu của mình. Cách đưa tay múa, lấy hơi hát… đều có kỹ thuật riêng và phải học bài bản mới được. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn trao truyền là tình yêu với hát Xoan, cũng chính là tình yêu với gia đình, quê hương, với những giá trị tốt đẹp mà tổ tiên, cha ông truyền lại. Học hát Xoan cũng là bài học đạo đức vỡ lòng cho thế hệ trẻ.
Tâm huyết là thế, nhưng các đào, kép cao niên tại đây vẫn trăn trở, sợ rằng thế hệ trẻ không mặn mà nối nghiệp. Những đào, kép “nhí” khi lớn lên và rời xa quê nhà sẽ không còn gắn bó với điệu Xoan nữa. Để gìn giữ những làn điệu Xoan, các nghệ nhân không chỉ tích cực truyền dạy mà còn biểu diễn hát Xoan ở nhiều chương trình, phục vụ du khách du lịch. Các nghệ nhân mong muốn có thể đưa hát Xoan trở thành “đặc sản” của vùng đất Kim Đức, trở thành “chỉ dẫn địa lý” và góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Có như vậy, hát Xoan mới thực sự hoà vào “hơi thở” của đời sống người dân và các lớp thế hệ kế cận nơi đây.
Về Kim Đức nghe điệu Xoan “non” của các đào “nhí”… cảm thấy hơi thở mùa Xuân đang tràn về - một mùa Xuân mộc mạc, bình dị nhưng có sức sống bền bỉ, sức lan toả mạnh mẽ. “Mùa Xuân của Xoan” có được là nhờ những thế hệ tiếp nối đã gìn giữ nét đẹp văn hoá cổ truyền đặc sắc của quê hương.
PTĐT