Hát Xoan "Báu vật" nhân văn sống và một tiền lệ thứ hai
Khi Hát Xoan trở thành hiện tượng chưa có tiền lệ trên nghị trường UNESCO, thì tại Phú Thọ, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cũng là một hiện tượng chưa có tiền lệ trong hơn 4000 năm tồn tại và phát triển của vùng Xoan đất Tổ.
Giải mã người đàn bà tạo lên tiền lệ sau hơn 4000 năm
Có một sự trùng hợp lạ lùng! Hồ sơ phong Chùm phường Xoan của bà Lịch cũng đã làm “đau đầu” các vị cao niên và cả hệ thống chính quyền địa phương.
Theo quy chế đã tồn tại bốn nghìn năm năm của phường Xoan, chỉ người đàn ông mới được kế thừa chức Chùm phường. Và việc xem xét một người phụ nữ cho vị trí kế thừa đầy cao quý và tôn kính này, chưa hề có tiền lệ.
“Các Vua Hùng đã giao sứ mệnh này cho bà” cụ Nguyễn Văn Toàn, một cao niên trong phường Xoan An Thái thủ thỉ vào tai tôi.
Đó là về mặt tâm linh, nhưng tôi tin rằng, trường hợp của bà Lịch còn có những lý do thuyết phục khác.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch vừa làm giảng viên tham gia đào tạo lớp nghệ nhân kế cận của tỉnh Phú Thọ
trong khi đó vẫn duy trì lịch sinh hoạt đều đặn tại phường Xoan An Thái. Ảnh: Tất Sơn

Phường Xoan An Thái của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch có đầy đủ 3 thế hệ với gần 100 thành viên chính thức. Ảnh: Tất Sơn

Những ca từ, điệu múa trong các bài hát Xoan thường mô tả chân thực
gắn với cuộc sống lao động của người nông dân vùng đất Tổ Phú Thọ. Ảnh: Công Đạt |
Cha của bà Lịch là nghệ nhân Nguyễn Tất Thắng, một Chùm phường Xoan nổi tiếng đất Tổ. Trước khi qua đời, ông đã đặt vào tay bà Lịch quyển sách có ghi chép đầy đủ 31 bài Xoan cổ, với di nguyện bà sẽ là người tiếp tục gìn giữ truyền thống của gia đình.
Khi đó, với một cô bé nhỏ tuổi, đó quả là một di nguyện khó hoàn thành. Nhưng người ông nội của bà đã âm thầm bên cạnh dạy cô cháu gái hát Xoan. Đến năm 13 tuổi, cô bé Lịch đã thực hành được tất cả các bài trong cuốn sách cha trao.
Năm 1997, cô bé Lịch đã trở thành một thôn nữ xinh đẹp và mở lớp học Hát Xoan đầu tiên dạy miễn phí cho bất kể ai muốn học. Lớp Xoan ngày đó vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ và bà Lịch có học trò ở khắp các địa phương trong tỉnh Phú Thọ.
Người học trò “cưng” của bà là nghệ nhân Nguyễn Thị Nga, hiện cũng trở thành Chùm phường Xoan Kim Đức, nữ Chùm phường Xoan thứ hai ở Phú Thọ.
Lớp nguồn chủ nhân Di sản
Năm 2011, khi Hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, bà Lịch là 1 trong 7 nghệ nhân ít ỏi còn lại có khả năng thực hành nguyên bản tất cả những điệu Xoan cổ.
Đây là nguy cơ cấp bách mà Phú Thọ phải đối diện. Bởi vậy, rất nhanh sau đó, chính quyền địa phương đã khởi động chương trình “Bảo vệ và phát triển những báu vật nhân văn sống”.

Nghệ nhân Lịch là nữ trùm phường Xoan đầu tiên, một hiện tượng chưa có tiền lệ
trong hơn 4000 năm của vùng đất Tổ. Ảnh: Tất Sơn

Hơn 4 năm, đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Phường Xoan An Thái
của nghệ nhân Lịch sinh hoạt đều đặn không thiếu một buổi nào. Ảnh: Tất Sơn

Hiện nay, tại bốn phường Xoan cổ của Phú Thọ, việc đào tạo các lớp nghệ nhân kế cận
luôn được thực hiện rất chặt chẽ và có kế hoạch. Ảnh: Tất Sơn

Trong Hát Xoan, các điệu múa luôn được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Ảnh: Tất Sơn

Những đào Xoan nhí của CLB Xoan An Thái tập luyện tại đình làng. Ảnh: Tất Sơn |
7 nghệ nhân này phải đồng thời gánh vác 2 trách nhiệm: Một là, họ phải tiếp tục duy trì hoạt động tại 4 phường Xoan cổ nơi họ quản lý, hai là, họ sẽ trở thành giảng viên đứng lớp trực tiếp đào tạo các thế hệ nghệ nhân kế cận. “Chúng tôi gọi đây là lớp nguồn chủ nhân di sản”, ông Thủy cho biết.
Hơn 4 năm, đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, bà Lịch lên lớp dạy hát Xoan không thiếu buổi nào. Đã có 68 nghệ nhân kế cận có khả năng đi truyền dạy như bà Lịch được đào tạo trong quãng thời gian này. Hiện nay, Phú Thọ có hẳn một quy chế phong tặng nghệ nhân Hát Xoan, để khuyến khích và ghi nhận sự đóng góp của họ với cộng đồng./.
Tục truyền, trên đường hành quân trở về sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, Vua Hùng đã gặp một lũ trẻ chăn trâu đang hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Người đời sau lập nên Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đưc, Tp.Phú Thọ) để làm tổ đình của Hát Xoan. Theo các tài liệu cổ, Miếu Lãi Lèn chính là nhà hát đầu tiên của người Việt.
Theo: https://vietnam.vnanet.vn/
|