Hát Xoan: Hành trình 5 năm bảo tồn và phát triển
Ngày 8/12/2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau 5 năm bảo tồn và phát triển, Hát Xoan đã khẳng định được sức sống bền vững trong đời sống đương đại.

Sức sống bền vững của Hát Xoan
Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hát Xoan là nghệ thuật trình diễn hát thờ Vua Hùng, gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Lịch sử ra đời và phát triển của Hát Xoan, từ tên gọi, nguồn gốc ra đời đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết liên quan tới thời Hùng Vương. Đặc biệt, Hát Xoan được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền, miếu thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng - không gian văn hóa đảm bảo sức sống bền vững của di sản Hát Xoan.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Hát Xoan và Tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển vượt thời gian cho đến tận ngày nay. Việc ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự khẳng định lại của quốc tế về giá trị Hát Xoan và đóng góp cho sự củng cố các di sản khác, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Ngày nay, Hát Xoan không chỉ được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) mà còn được duy trì thực hành, trình diễn ở 37 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp tỉnh với 1.557 thành viên tham gia, 64 câu lạc bộ cấp huyện với 1.325 thành viên và 42 câu lạc bộ cấp xã với 1.430 thành viên.

Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm, Liên hoan Hát Xoan và dân ca Phú Thọ là hoạt động điểm nhấn để phục vụ du khách hành hương về Giỗ Tổ. Hát Xoan cũng được thường xuyên biểu diễn vào các ngày trong năm. Nổi bật là các buổi biểu diễn, giao lưu của các phường Xoan và các câu lạc bộ Hát Xoan của thành phố Việt Trì định kỳ vào tối thứ bảy tại Công viên Văn Lang; chương trình “ Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại miếu Lãi Lèn, đình Thét (xã Kim Đức), đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình An Thái, miếu Cấm (xã Phượng Lâu); biểu diễn phục vụ du khách tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Vườn Vua (huyện Thanh Thủy); vào dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ” đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Việt Trì công bố vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018, đưa Hát Xoan trở thành tài sản, tài nguyên du lịch văn hóa của vùng Đất Tổ. Theo đó, các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn các tiết mục hát Xoan định kỳ tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) và tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) Trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021, Hát Xoan được biểu diễn từ 8 - 16 giờ hằng ngày để phục vụ đồng bào, du khách hành hương về Đất Tổ; đồng thời gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa mang đậm nét truyền thống như tham quan làng cổ, chợ quê, làm bánh chưng, bánh giầy…
Sức sống bền vững ấy đã góp phần đưa Hát Xoan vốn là một sản phẩm văn hoá truyền thống đặc sắc được các nghệ nhân ở các phường Xoan cổ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giờ đây đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát huy giá trị của di sản.
Tiếp tục nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Nhằm cụ thể hóa các Đề án, Chương trình hành động về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX “Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá vùng Đất Tổ, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về gìn giữ và phát huy giá trị của di sản Hát Xoan. Trong đó, nhiệm vụ xuyên suốt là tiếp tục bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Theo đó, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (trên các phương tiện thông tin và truyền thông của trung ương và địa phương) được đẩy mạnh.
Công tác tu bổ, phục hồi di tích tại các địa phương có tục lệ Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20/30 di tích có tục lệ hát Xoan thờ thần vào dịp đầu xuân được tu bổ, tôn tạo; trong đó, 4 đình, miếu ở 4 phường Xoan là An Thái, Phù Đức, Thét, Kim Đái và đình Bảo Đà (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) được tu bổ, phục hồi hoàn chỉnh. Tất cả các phường Xoan có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện các nghi lễ, trình diễn hát Xoan gắn với thờ cúng các Vua Hùng cũng như tổ chức truyền dạy, thực hành di sản và phục vụ du lịch.

Cùng với đó, việc tiếp tục đào tạo lớp nghệ nhân kế cận tại các phường Xoan, các câu lạc bộ kế tục lớp nghệ nhân cao tuổi trong việc truyền dạy di sản cho lớp trẻ tại cộng đồng được quan tâm chú trọng. Nhờ sự tích cực truyền dạy, từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản vào năm 2010, đến nay các nghệ nhân cao tuổi đã truyền dạy, đào tạo được 68 nghệ nhân kế cận kế tiếp hoạt động truyền dạy, 300 nghệ nhân và hàng trăm các em của các phường Xoan với nhiều thế hệ. Số lượng người thực hành và truyền dạy di sản Hát Xoan Phú Thọ tại 4 phường Xoan hiện có 330 thành viên tham gia.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì chia sẻ: Từ khi Hát Xoan trở thành di sản đại diện của nhân loại, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực bảo tồn, truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ. Ở các làng Xoan cổ hiện đã hình thành 3 thế hệ hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ đầy triển vọng. Đây chính là lực lượng nòng cốt, có thể thay thế các nghệ nhân cao niên để tiếp tục truyền dạy, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Hát Xoan trong tương lai.
Để duy trì thực hành và truyền dạy Hát Xoan, 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung Hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn Âm nhạc và chương trình ngoại khóa với các bài Hát Xoan phù hợp; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan cấp trường. Cùng với đó, trên 100 Câu lạc bộ Hát Xoan và Dân ca ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã được thành lập và duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu của những người yêu thích hát Xoan và góp phần lan tỏa mạnh mẽ Hát Xoan trong đời sống cộng đồng.

11 năm từ khi Hát Xoan được đưa vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp (2011), 5 năm gìn giữ và phát triển sau khi Hát Xoan được đưa ra khỏi danh sách này, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017), di sản Hát Xoan ngày càng có sức sống mạnh mẽ. Điều đó khẳng định nỗ lực cố gắng của các nghệ nhân, cộng đồng và của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ, để Hát Xoan mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và trường tồn với thời gian.
Thu Hương