Hội thảo phát triển thị trường carbon - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Ngày 23/11/2023, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCED) phối hợp tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các-bon và hàm ý chính sách với Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự tại điểm cầu trung ương có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ban, ngành và một số địa phương; Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện OECD; các học giả, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra lộ trình đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường các-bon, thời gian qua Việt Nam đã triển khai một số dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon...
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển thị trường các bon và hàm ý chính sách với Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 04 nội dung chính: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và vận hành thị trường các-bon; đánh giá tác động của việc đẩy nhanh định giá các-bon hiện nay, phương thức quản lý Nhà nước của Chính phủ, mô hình hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp; kiến nghị các biện pháp đối với Việt Nam về xây dựng khuôn khổ pháp lý, vận hành sàn giao dịch các-bon và tính bao trùm, tương đồng trong quá trình phát triển thị trường các-bon; đề xuất các cơ chế hợp tác tín chỉ các-bon, thúc đẩy xây dựng các dự án…
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia của các nước có nền công nghiệp phát triển Đức, Mỹ, Nhật Bản trao đổi một số nội dung như: Những nhân tố tác động đến quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon (kinh tế, xã hội, môi trường, lao động…); kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng thị trường carbon; Giải pháp nhằm bảo đảm tính bao trùm, công bằng trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển thị trường carbon…
Các chuyên gia cao cấp OECD khẳng định rằng Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh có độ che phủ rừng lớn có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Các chuyên gia mong muốn Việt Nam sớm có các giải pháp để thúc đẩy thị trường carbon nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero).
Trung An