KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 9/2023
Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực ở hầu hết các lĩnh vực; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Kết quả cụ thể như sau:
1. Tín dụng, ngân hàng
Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng cấp trên về thực hiện lãi suất. Mặt bằng lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Trong đó, lãi suất cho vay áp dụng với đối tượng ưu tiên từ 3,5 - 13,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn đối tượng sản xuất kinh doanh phổ biến từ 6,0 - 12,5%/năm, cho vay tiêu dùng từ 7,0 - 13,8%/năm; lãi suất cho vay trung hạn đối tượng sản xuất kinh doanh từ 8,25 - 13,5%/năm, cho vay tiêu dùng từ 8,25 - 14,3%/năm; lãi suất cho vay dài hạn đối tượng sản xuất kinh doanh từ 8,5 - 13,5%/năm, cho vay tiêu dùng từ 8,5 - 14,8%/năm.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 84.153 tỷ đồng, tăng 9.538 tỷ đồng (tăng 12,8%) so với cùng kỳ năm 2022, tăng 6.523 tỷ đồng (tăng 8,4%) so với cuối năm 2022.
Dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 97.525 tỷ đồng, tăng 5.965 tỷ đồng (tăng 6,5%) so với cùng kỳ năm 2022, tăng 4.978 tỷ đồng (tăng 5,4%) so với cuối năm 2022.
Nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) của hệ thống ngân hàng đạt 748 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,77%/tổng dư nợ toàn địa bàn, nợ xấu nằm trong tầm kiểm soát của các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 trên địa bàn tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 2,05% so với tháng 12 năm trước (sau 9 tháng), tăng 2,69% so với tháng cùng kỳ (sau 12 tháng).
Các nhóm hàng làm tăng chỉ số CPI tháng này so với tháng trước bao gồm: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,36%; giao thông tăng 0,64%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,62%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,56%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,36%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,32%; giáo dục tăng 0,31%; bưu chính - viễn thông tăng 0,12%…
So với tháng cùng kỳ, CPI tăng do tác động từ một số nhóm hàng: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 7,37%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 7,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 4,14%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,58%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 3,45%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,01%; giáo dục tăng 1,96%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,8%; giao thông tăng 1,41%;…
3. Đầu tư và Xây dựng
a) Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn
Trong quý III/2023, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.830 tỷ đồng, tăng 20% so với quý trước và tăng 13,4% so với quý cùng kỳ năm 2022.
Ước tính 9 tháng năm 2023, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 30.576,7 tỷ đồng, đạt 70,3% kế hoạch năm, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó:, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân ước đạt 18.501 tỷ đồng, chiếm 60,5% tổng vốn, tăng 12,8%; vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 6.207,5 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng vốn, tăng 14,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5.868,1 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng vốn, tăng 16,4%.
b) Xây dựng
Hoạt động xây lắp trên địa bàn tỉnh tuy gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng vẫn đạt khá. Giá trị xây dựng quý III/2023 tăng 20,7% so với quý trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở công trình nhà ở và công trình kỹ thuật dân dụng. Sau 9 tháng, giá trị xây dựng tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá trị xây lắp nhà ở tăng 9,1%; giá trị xây lắp nhà không để ở giảm 15,1%; giá trị xây lắp công trình kỹ thuật dân dụng tăng 21,1%;…
4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính đến ngày 19/9/2023, toàn tỉnh có 710 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 18.064,6 tỷ đồng, tăng 1,3% về số doanh nghiệp và tăng 89,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh có 266 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 440 doanh nghiệp, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh là 45 doanh nghiệp (giảm 5 doanh nghiệp so với cùng kỳ).
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh quý III so với quý II/2023: Có 27,37% doanh nghiệp trả lời tình hình sản xuất kinh doanh quý tốt lên; 34,74% số doanh nghiệp có tình hình sản xuất ổn định giữ nguyên và 37,89% doanh nghiệp tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn quý II/2023. Dự báo quý IV/2023 sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng khả quan hơn đôi chút so với quý III/2023 khi có 28,42% số doanh nghiệp trả lời tình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; 31,58% doanh nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn hơn.
5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
5.1. Sản xuất nông nghiệp
a) Trồng trọt: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm ước đạt 105,6 nghìn ha, giảm 1,7% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích lúa ước đạt 58,4 nghìn ha, giảm 1,5%; diện tích ngô ước đạt 16,7 nghìn ha, giảm 3,6%; sắn ước đạt 5,2 nghìn ha, giảm 9,3%; khoai lang ước đạt 713,6 ha, giảm 8,3%; cây chất bột khác ước đạt 179,7 ha, giảm 23,7%; rau các loại ước đạt 15,7 nghìn ha, giảm 0,5%. Năng suất lúa toàn tỉnh cả năm 2023 ước đạt 58,56 tạ/ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ; năng suất khoai lang cả năm ước đạt 73,02 tạ/ha, tăng 1,7%; năng suất sắn ước đạt 157,07 tạ/ha, giảm 0,2%; năng suất rau xanh ước đạt 165,36 tạ/ha, tăng 0,5%; năng suất đỗ đậu các loại ước đạt 13,23 tạ/ha, giảm 1,3%.
Tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh cả năm 2023 ước đạt 423,3 nghìn tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thóc ước đạt 342,1 nghìn tấn, giảm 1%; sản lượng ngô ước đạt 81,1 nghìn tấn, giảm 5,1%…
Sản lượng các loại cây trồng khác cơ bản ổn định so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng rau xanh các loại ước đạt 247,6 nghìn tấn, giảm 0,1%; sản lượng đậu các loại đạt 781,5 tấn, tăng 1,7%; sản lượng khoai lang ước đạt 5,2 nghìn tấn, giảm 6,7%; sản lượng sắn ước đạt 81,1 nghìn tấn; sản lượng lạc ước đạt 6,1 nghìn tấn; sản lượng đỗ tương ước đạt 129,5 tấn; sản lượng mía ước đạt 3,2 nghìn tấn.
b) Chăn nuôi
Hoạt động chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá các loại thức ăn chăn nuôi cao; tiêu thụ một số sản phẩm từ thịt gặp khó khăn do ảnh hưởng của giá thực phẩm tăng làm cho nhu cầu cầu tiêu dùng trong những tháng đầu năm có xu hướng giảm.
Tổng đàn trâu toàn tỉnh ước tính đạt trên 55 nghìn con, tăng 1,1% so cùng kỳ; tổng đàn bò ước tính đạt 95,3 nghìn con, giảm 3%; tổng đàn lợn ước tính đạt 750,1 nghìn con, giảm 0,3% so với cùng kỳ; tổng đàn gà ước tính trên 13,9 triệu con, giảm 1% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 158,2 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 424,9 triệu quả, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
5.2. Lâm nghiệp
Các hoạt động trồng mới rừng tập trung, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng cây lâm nghiệp phân tán, khai thác gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện tốt theo kế hoạch. Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung 9 tháng năm 2023 ước đạt 9,3 nghìn ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng gỗ các loại khai thác toàn tỉnh ước đạt 589,6 nghìn m3, tăng 4,9%; sản lượng củi các loại khai thác đạt 68,2 nghìn ste, tăng 4,7%.
Tính đến hết tháng 9, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy 9,81 ha; xảy ra 31 vụ chặt phá rừng, tổng diện tích rừng bị chặt phá khoảng 4,75 ha.
5.3. Thuỷ sản
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 10,9 nghìn ha, giảm 108,9 ha so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, khai thác 9 tháng năm 2023 ước đạt 32,2 nghìn tấn, 12 tăng 3,6% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do các hộ nuôi trồng đã đầu tư giống, thức ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc, nuôi trồng thủy sản.
6. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 năm 2023 tăng 16,97% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 chung toàn ngành tăng 15,95% so với cùng kỳ; trong đó, ngành khai khoáng tăng 24,46%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,07%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,54%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,24%.
Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng từ đầu năm khi tăng trưởng chỉ tập trung ở một số ngành như: Sản xuất thiết bị điện tăng 88,09%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 43,75%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 11,08%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 2,38%.
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo 9 tháng năm 2023 tăng mức 35,30% so với cùng kỳ, tập trung ở 2 nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học tăng 36,17% và sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 8,28%.
7. Thương mại, dịch vụ
a) Bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2023 ước đạt 4.377,1 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 3.646,5 tỷ đồng, chiếm 83,3% tổng mức, tăng 13,3%. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 37.311,6 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
b) Xuất, nhập khẩu
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 856,5 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng trước; tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa ước đạt 866,5 triệu USD, tăng 5,3%. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu ước đạt 7.666,4 triệu USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước đạt 6.137,7 triệu USD, giảm 29%.
c) Vận tải hàng hoá và hành khách
Doanh thu vận tải tháng 9/2023 ước đạt 588,5 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 456,6 tỷ đồng, tăng 12%; doanh thu vận tải hành khách ước đạt 75,5 tỷ đồng, tăng 16,1%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 55,8 tỷ đồng, tăng 12,4%...
Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 468,5 triệu tấn.km, tăng 7,9%. Sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1,4 triệu lượt hành khách, tăng 11% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách luân chuyển ước đạt 88,9 triệu lượt hành khách.km, tăng 15,7% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, doanh thu vận tải ước đạt 5.125,9 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ; sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 38,3 triệu tấn, tăng 8,3%; sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 12,4 triệu lượt hành khách, tăng 9,4%; sản lượng hành khách luân chuyển ước đạt 767 triệu lượt hành khách.km, tăng 13,8%.
8. Một số vấn đề xã hội
a) Lao động, việc làm
Số lao động đang làm việc trên toàn tỉnh đạt 727,6 nghìn người chiếm 99,1% lực lượng lao động và chiếm 47,7% dân số trên toàn tỉnh.
Số lao động có việc làm tăng thêm đạt 13.808 người bằng 83,7% kế hoạch năm, bằng 94,2% cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động toàn tỉnh hiện chiếm khoảng 1,35% tổng số lao động có việc làm trong độ tuổi.
b) Đời sống dân cư
Thu nhập, việc làm của người lao động còn gặp khó khăn do bị ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế và xung đột giữa Nga - Ucraina. Tiền lương bình quân trên địa bàn đạt trên 7,1 triệu đồng/người/tháng. Tính đến hết ngày 12/9/2023, trên địa bàn tỉnh có 8.330 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Công tác chi trả, giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách, người có công và hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội được kịp thời. Ước tính hết tháng 9/2023, các các ngành, các cấp đã thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng bảo trợ xã hội với tổng trị giá 16,14 tỷ đồng; thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 65 nghìn đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội.
Từ 01/01/2023 đến 31/8/2023 đã cấp phát trên 581 nghìn thẻ Bảo hiểm y tế, trong đó cấp miễn phí chủ yếu dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và người sống tại vùng đặc biệt khó khăn
Tính đến hết tháng 8/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải quyết cho trên 21,6 nghìn lượt đối tượng vay vốn với trên 1.037 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng vay là hộ nghèo 204,9 tỷ đồng, đối tượng vay là hộ cận nghèo 205,8 tỷ đồng, đối tượng vay là hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 85,5 tỷ đồng. Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015-NĐ-CP là 99,1 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm là 89,5 tỷ đồng.
9 tháng năm 2023, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp tỉnh Phú Thọ đã trích từ Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh 5,66 tỷ đồng hỗ trợ 223 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xóa nhà tạm, xây nhà đại đoàn kết; giúp đỡ phát triển sản xuất cho 26 đối tượng trị giá 0,21 tỷ đồng, giúp khám chữa bệnh cho 105 người trị giá 0,14 tỷ đồng, giúp học sinh nghèo học tập và những hỗ trợ khác trị giá trên 1,5 tỷ đồng
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, đảm bảo yêu cầu, tiến độ xây dựng và công nhận theo kế hoạch. Tính đến 31/8/2023 tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 133/196 xã; có 1.580 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới. Có 7 huyện, thành, thị đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 4 huyện, thành, thị đã được công nhận đạt/hoàn thành xây dựng nông thôn mới).
c) Giáo dục - đào tạo
Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học đạt 91,16%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 91,12%; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn gần 89%, trong đó trên chuẩn chiếm 25%.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà tiếp tục khẳng định vị trí đứng đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,54%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2022 - 2023 tỉnh Phú Thọ có 56 thí sinh đạt giải, trong đó có 3 giải Nhất, 16 giải Nhì, 19 giải Ba, 18 giải Khuyến khích, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành. Cũng qua kỳ thi này, tỉnh Phú Thọ có 9 em đã lọt vào vòng 2 chọn đội tuyển dự thi Olympic Quốc tế. Tỉnh Phú Thọ vinh dự có 1 trong 5 học sinh có thành tích cao nhất, đại diện cho Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu năm 2023 tại Cộng hòa liên bang Đức.
d) Tình hình y tế
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 8 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 116 ca mắc sốt xuất huyết với 13 ổ dịch tại 4 huyện; các ổ dịch đang được giám sát chặt chẽ và đều được triển khai xử lý theo qui định.
Tính đến hết tháng 8/2023, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 4.775 cơ sở, kết quả có 89,9% cơ sở đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng trong tháng 8 đã kiểm tra 204 cơ sở, trong đó có 95,6% số cơ sở đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm.
e) Tình hình tai nạn giao thông
Tính chung 9 tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông đường bộ (tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2022) và 11 vụ va chạm giao thông đường bộ (tăng 2 vụ), làm 55 người chết (tăng 16 người) và 19 người bị thương (giảm 6 người). Lực lượng cảnh sát giao thông công an tỉnh đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 46.470 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 73,1 tỷ đồng.
g) Tình hình thiên tai
Tháng 9, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ xảy ra 1 đợt thiên tai do mưa lớn tại các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Thủy. Thiên tai đã làm 1 ngôi nhà bị hư hỏng; 61 ha lúa và 33 ha rau màu bị hư hại. Giá trị thiệt hại ước tính trên 3,17 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt thiên tai do mưa lớn, làm 661 ngôi nhà bị hư hỏng; 686,32 ha lúa và 376,8 ha rau màu bị hư hại;... Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 21,17 tỷ đồng (giảm 43,58 tỷ đồng so với cùng kỳ).
h) Tình hình cháy nổ, vi phạm môi trường
Từ ngày 17/8/2023 đến 16/9/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy (huyện Yên Lập), giá trị thiệt hại ước tính 32 triệu đồng. Tính từ ngày 17/12/2022 đến hết ngày ngày 16/9/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm 1 người bị thương, giá trị thiệt hại ước tính trên 1,7 tỷ đồng.
Tình hình vi phạm môi trường: Từ ngày 17/8/2023 đến ngày 16/9/2023, lực lượng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh đã phát hiện và xử lý 45 vụ vi phạm môi trường, xử phạt 792,2 triệu đồng. Tính từ ngày 17/12/2022 đến ngày 16/9/2023, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã phát hiện và xử lý 390 vụ vi phạm môi trường (tăng 6 vụ so với cùng kỳ), với tổng số tiền xử phạt 8.182,5 triệu đồng (tăng 958,1 triệu đồng so với cùng kỳ).