|
Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, ngày 9/11/1995. |
Cơ duyên với người Mỹ
Năm 1957, tôi làm việc trong Tổ báo chí, Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và được vinh dự đến biệt thự gần Thiên An Môn để mời nhà báo nổi tiếng Mỹ Anna Louise Strong (1885 - 1970) thăm Việt Nam. Đây là người Mỹ đầu tiên tôi được gặp và có thiện cảm. Trong chuyến thăm đó, bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trao đổi về kỷ niệm hoạt động quốc tế.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều tổ chức nhân dân Mỹ đã cử các đoàn sang Việt Nam, cả miền Nam và miền Bắc, để vận động phong trào chống chiến tranh. Tôi được cử làm phiên dịch cho các đoàn thăm miền Bắc nên sớm nhận biết tình cảm của người Mỹ đối với Việt Nam.
Sau này, khi được cử làm phiên dịch tại đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968-1973), ngoài những phiên họp chính thức và họp kín với đoàn Mỹ, tôi cũng giúp phiên dịch trong các buổi tiếp các đoàn nhân dân Mỹ đến gặp đoàn Việt Nam. Dù khi đó, mối thiện cảm ngày một tăng cao nhưng chúng tôi chưa dám nghĩ đến ngày gặp lại nhau trên đất Mỹ. Vì thế, khi một thành viên trong đoàn Chính phủ Mỹ đột ngột hỏi tôi: "Ông có tin sau này sẽ sang thăm Mỹ không?". Bị hỏi bất ngờ nhưng tôi vẫn trả lời rất nhanh: "Trong chiến tranh với Pháp, tôi cũng không ngờ có ngày sẽ đến Paris như hôm nay".
Gặp lại trên đất Mỹ
Tháng 7/1975, chưa kịp vào thăm miền Nam vừa giải phóng, tôi được cử tham gia đoàn sang New York lập cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc. Thành phố New York nổi tiếng, hấp dẫn ngay cả với người dân Mỹ ở các bang khác, nhưng với tôi, niềm phấn khích lớn hơn là sẽ được gặp lại những người Mỹ mà khi chia tay ở Việt Nam hay Paris, chúng tôi chưa nghĩ và chưa dám nói tới ngày gặp lại.
Đến sân bay JFK ở New York, chúng tôi được bạn bè Mỹ, dẫn đầu là bà Cora Weiss, một lãnh đạo trong phong trào chống chiến tranh, đón với biểu ngữ chào mừng. Những ngày đầu bỡ ngỡ, chúng tôi được bạn bè Mỹ và Hội Việt kiều yêu nước quan tâm, giúp đỡ vô cùng chu đáo.
Bà Cora Weiss đã nhanh chóng thuê cho chúng tôi ba căn hộ ở khu chung cư Waterside Plaza gần trụ sở Liên hợp quốc để ở, làm việc và tiếp khách. Chính tại đây, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ bạn bè cũ. Đoàn Việt Nam, ngoài việc tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc, đã sớm gặp gỡ và tiến hành quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Bạn bè Mỹ trên đất Việt
Sau Hiệp định Paris được ký kết, tôi được cử ở lại giúp đàm phán thực hiện Điều 21 của Hiệp định về "hàn gắn vết thương chiến tranh". Do diễn biến tình hình khu vực và thế giới, phía Mỹ đơn phương ngừng đàm phán. Việt Nam bị bao vây cấm vận. Quan hệ chính thức Việt - Mỹ bị hạn chế. Giao lưu Ngoại giao nhân dân Việt - Mỹ bị kìm hãm…
Thế nhưng, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước ấy khi được giải tỏa thì bùng nổ chưa từng có. Vết thương chiến tranh về tinh thần nhanh chóng được hàn gắn. Hội chứng chiến tranh sớm được giải tỏa. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara sang Việt Nam gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm hiểu thêm nguyên nhân cuộc chiến; Các cựu quân nhân Mỹ tìm lại kết giao với đối thủ cũ, gửi lại những kỷ vật cho gia đình liệt sĩ Việt Nam; Nhật ký Đặng Thùy Trâm được trân trọng là tình cảm chân thành của người dân Mỹ và niềm tự hào của người Việt Nam…
Nước Mỹ chưa hề biết thua trận, trừ chiến tranh ở Việt Nam, nhưng những người có lý do để hận thù như Thượng nghị sĩ John McCain lại đi đầu cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tháng 9/1990, tôi được tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thăm chính thức Washington D.C. Điều khiến tôi e ngại nhất là khi gặp Thượng nghị sĩ John McCain. Thế nhưng, ông đã ra tận hành lang đón vào văn phòng riêng và chỉ ngay vào bức ảnh chụp tượng của ông ở Hồ Tây và nói: "It's me!" (Tôi đấy!). Ông đã xua tan mọi mặc cảm trong quan hệ với Việt Nam và từ đó ủng hộ mạnh mẽ bình thường hóa và phát triển quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Một điển hình nữa, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam lại là cựu tù binh Pete Peterson. Tôi gặp ông khi ông lần đầu xuất hiện trong chiêu đãi Quốc khánh Na Uy. Tôi đã chuyển lời mời của lãnh đạo Quảng Nam, nơi lính Mỹ đổ bộ đầu tiên. Ông nhận lời và đã đi thăm trong nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong lịch sử nước Mỹ và có lẽ cả trên thế giới, khó có trường hợp tương tự.
Đại sứ Phạm Ngạc Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland.