Thiếu sự chân thành, dũng cảm sẽ khó có sự hòa hợp thực sự
Theo truyền thống văn hóa dân tộc và cũng là giáo lý nhà Phật, nếu “lấy oán báo oán” thì “oán oán suốt đời”, thay vào đó phải “lấy ân giải oán”. Chúng ta là chủ nhân đất nước hiện nay thì chúng ta cần chủ động trong chuyện “giải oán” với những người mà chúng ta từng coi là kẻ thù. Vấn đề hòa hợp đòi hỏi những người có trách nhiệm, có liên quan làm việc trong vấn đề này phải có sự thành tâm, hiểu biết vấn đề và quan trọng là phải hết sức chân thành, dũng cảm. Thiếu sự chân thành, dũng cảm sẽ khó có sự hòa hợp thực sự. Mình phải chứng minh cho bà con thấy những khó khăn là nhất thời, còn cái thành tựu là mãi mãi thì mình mới thực hiện quá trình hòa hợp hòa giải được. Hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự dũng cảm đột phá, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Hiện nay cái dũng cảm còn thiếu quá, chân thành còn thiếu quá.
40 năm thống nhất đất nước. Nhưng thống nhất đất nước mà chưa thống nhất được lòng người bởi lẽ còn một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang tiếp tục có những hành động đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Thực hiện đúng là không dễ dàng; chủ trương thì đã có nhưng trong thực hiện đôi khi chúng ta vẫn có những cái lệ làng. Cái khó của chúng ta là tư duy, nhận thức của lãnh đạo các cấp khác nhau. Đôi khi trên rất thông thoáng nhưng dưới lại rất khó khăn.
Phải tiếp tục xây dựng lòng tin
Hòa hợp dân tộc thực sự có lẽ vẫn còn quãng đường dài trước mặt cần phải vượt qua. TS. Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, cái khó khăn nhất cản trở sự cố gắng hòa hợp của chúng ta chính là mặc cảm trong nước đối với những thành phần bên ngoài. Tuyệt đại bà con khắp nơi đã về nước rồi, nhiều người đã đầu tư nhiều dự án trong nước. Muốn thu hút kiều bào về thì chính sách của Nhà nước phải hài hòa, coi kiều bào cũng như người trong nước, thậm chí phải ưu tiên kiều bào. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương phải nhìn kiều bào với nhãn quan chính trị khác. Phải có suy nghĩ chân thành, cởi mở, chính sách cởi mở, tư duy cởi mở.
Chúng ta phải tiếp tục xây dựng lòng tin. Cần hiểu là nhiều người vẫn mang tư tưởng hận thù của những người thua trận. Nhưng trên thực tế, cuộc chiến tranh đã qua mang lại cho đất nước nhiều mất mát đau thương. Binh lính chế dộ cũ họ cũng alf con em cùng dân tộc bị đẩy vào đạn bom phi nghĩa. Trong hàng vạn người ngã xuống cũng có những người đã từng không muốn tham chiến, không muốn cầm súng, không muốn chiến tranh nhưng họ bị xô đẩy.
Vì vậy, nếu chúng ta không đoàn kết, không hòa hợp thì chúng ta mất đi một sức mạnh vô cùng to lớn.
(Theo Tạp chí Nhân quyền)