Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan soạn thảo, trình Chính phủ trong quý I/2013 dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định 93/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Trong đó, cần làm rõ khái niệm về cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Thống nhất nhận thức là Bộ phận một cửa thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện là đầu mối tập trung hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức sau đó chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn xử lý, trong đó có các cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về đất đai, về đăng ký kinh doanh và cuối cùng là nhận kết quả để trả lại cho cá nhân, tổ chức. UBND cấp tỉnh, cấp huyện phân công trách nhiệm, quyền hạn và thời hạn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Trong văn bản này cũng cần quy định những thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại cũng như quy định trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, các ngành trong việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông hiện đại.
Hỗ trợ nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại
Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Hỗ trợ nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2013 - 2020”.
Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với tổ chức, công dân thông qua việc nhân rộng triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2013 - 2015 với kinh phí của địa phương và sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nữa việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; xây dựng, trang bị cơ sở vật chất; phân công nhiệm vụ, quyền hạn, trợ cấp, kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức thực hiện công vụ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; bố trí hòm thư góp ý của công dân và tổ chức về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại địa phương.
Theo thống kê, trong số 700 đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước, hiện đã có 686 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại lần đầu tiên được khởi xướng và thực hiện vào năm 2006 tại một số huyện, quận của thành phố Hải Phòng. Đến nay, đã có 203/700 đơn vị hành chính cấp huyện của 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện cơ chế này tại UBND cấp huyện; trong đó có 4 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và 5 thành phố trực thuộc Trung ương (không tính các huyện đảo của các thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng) triển khai ở tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện.
UBND cấp huyện cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có để thực hiện cơ chế một cửa, những nơi chưa có cơ sở vật chất cho công tác này thì xem xét, bố trí phù hợp với khả năng ngân sách, không đầu tư quá mức cần thiết; cần lồng ghép với Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng phần mềm dùng chung trong việc tiếp nhận và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện và chuyển giao cho các địa phương trong năm 2013 để thực hiện, hướng đến nền hành chính hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực để thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp danh mục các đơn vị hành chính cấp huyện cần được hỗ trợ kinh phí thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại theo từng năm và cả giai đoạn 2013 - 2015 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nguồn: baodientu.chinhphu.vn