Những điểm du lịch tâm linh vùng kinh đô Văn Lang xưa
Những ngày tháng Ba âm lịch, ngoài tham gia các hoạt động của Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, khi về với Phú Thọ, du khách còn được khám phá nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước nơi Đất Tổ linh thiêng.
Đình Hùng Lô, thuộc làng cổ Hùng Lô, nằm ven sông Lô, cách Đền Hùng chừng 10km về phía Đông.
Đình Hùng Lô được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990. Tương truyền, đây là vùng đất thiêng, nơi Vua Hùng từng nghỉ chân trong một lần đi du ngoạn. Về sau, dân lập miếu thờ, đến đời Vua Lê Hy Tông (1697), đình được xây dựng, hướng về núi Nghĩa Lĩnh.
Đền Tam Giang - Chùa Đại Bi thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Ngôi đền nằm ở ngã ba Hạc là nơi hợp lưu của ba dòng sông: Sông Hồng, sông Lô, sông Đà.
Cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất, gồm: Đền Tam Giang, đền Mẫu, chùa Đại Bi, vết chân Thổ lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại Vương, bến bơi chải, tượng đài Chiêu Văn Vương Tả Thánh Thái Sư Trần Nhật Duật và bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật Giáo Việt Nam.
Đền Thiên cổ thuộc xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Đây là nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng 2 người học trò là Tiên Dung và Ngọc Hoa công chúa - con Vua Hùng thứ 18.
Đền Tiên và Chùa Cát Tường nằm bên bờ sông Hồng thuộc phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì. Đền thờ Mẫu Thần Long Hồng Đăng Ngạn - Hoàng Hậu nước Xích Quỷ, vợ vua Kinh Dương Vương, mẹ đẻ của Lạc Long Quân. Người đã sát cánh cùng chồng trong buổi đầu dựng nước, trong việc dạy dỗ nhân dân và người đã được vua Kinh Dương Vương phong làm “Vi Cung Chính Khổn” thưởng cho Cung Tiên Cát.
Chùa Cát Tường là một trong những ngôi chùa linh thiêng nằm trong quần thể di tích Cung, Lăng Tiên Cát xưa. Chùa được xây dựng năm 1999, trùng tu lớn vào năm 2016-2017.
Chùa có tổng diện tích khá lớn bao gồm: Nhà tam bảo, nhà tổ, nhà tăng, nhà chay đường, nhà khách.
Nguồn: Báo Phú Thọ