Chiều 9/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế để phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế năm 2023.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số hiệp hội doanh nghiệp chủ chốt; 94 đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Dự tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm và được thúc đẩy mạnh mẽ trong gần 70 hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao trong năm 2022, với hơn 150 văn kiện hợp tác ký kết, góp phần đưa hợp tác kinh tế với các đối tác đi vào chiều sâu, thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Trong năm 2022, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai quyết liệt, bài bản, hiệu quả, kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các nhà ngoại giao, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương trong thực hiện công tác NGKT; biểu dương tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực của Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác phối hợp tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về thực hiện công tác NGKT.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Công tác NGKT của Việt Nam trong thời gian qua đã đi đúng hướng và đạt nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những điểm sáng trong công tác ngoại giao của Việt Nam.
Về phương hướng, trọng tâm công tác NGKT năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023 là năm có ý nghĩa bản lề trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục phức tạp, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm tăng trưởng, đối mặt với nhiều thách thức. Xung đột Nga - Ucraina kéo dài, tiếp tục tạo sức ép lên không gian an ninh, phát triển của các nước vừa và nhỏ. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác NGKT xác định, phương châm triển khai công tác NGKT là quyết liệt, hành động, linh hoạt, hiệu quả, sáng tạo, đột phá, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động triển khai chương trình hành động của Chính phủ ngay trong Quý I/2023; tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tinh thần và các nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị số 15-CT/TW và Chương trình hành động của Chính phủ trong các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị kỹ lưỡng phục vụ các hoạt động đối ngoại cấp cao; đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch với các tập đoàn, doanh nghiệp các nước nhân dịp các chuyến thăm cấp cao; đấy mạnh hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp theo tinh thần lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; tăng cường tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực để thu hút đầu tư; tăng cường thu hút nguồn lực, hợp tác đầu tư phục vụ chuyển đổi số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng; tích cực đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực của Việt Nam đầu tư, mở rộng đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài; đề xuất các biện pháp tăng cường nguồn lực triển khai NGKT gắn với các kế hoạch quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về NGKT; đẩy mạnh đào tạo, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực triển khai NGKT cho cán bộ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; chú trọng tuyên truyền đối nội, đối ngoại về sự ổn định chính trị - xã hội, môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tổ chức tổng kết kinh nghiệm trong thực hiện công tác NGKT qua mỗi thời kỳ, giai đoạn để phát huy những mặt tích cực, khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác đối ngoại, NGKT; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa nhà ngoại giao với doanh nghiệp, giữa cơ quan trong nước và ngoài nước, giữa các địa phương với nhau để thúc đẩy phát triển ngoại giao toàn diện, trong đó chú trọng NGKT…
Trung An