Xoan ‘đối ngoại’
Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan đang được trình diễn lung linh hơn và di sản này cũng được trao truyền khá hiệu quả. Đất Tổ thực sự đang có giải pháp khéo léo khi đưa Xoan ra "đối ngoại", lan tỏa Xoan đến với bạn bè quốc tế, lại phát huy vai trò của cộng đồng nhằm gìn giữ khúc hát môn đình có từ thuở Hùng Vương.
Du khách nước ngoài rất thích thú với những màn Xoan cổ trước cửa đình. Ảnh: Tùng Duy.
Vòng Xoan mê hoặc
"Bà trùm" Nguyễn Thị Lịch sáng nay vận áo váy thật đẹp. Nữ nghệ nhân kiêm trùm phường Xoan cổ An Thái (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cùng nhóm chị em hát Xoan đã rất bận rộn chuẩn bị từ tối qua cho một màn diễn xướng sáng nay khi đón đoàn khách nước ngoài đến chiêm ngưỡng.
Sân đình An Thái trang trí rực rỡ cũng đã đông khách. Sau màn "Nhập tịch mời Vua", muôn phách nhịp lảy lên đua cùng những điệu tay uốn, cứ đung điêng huyền diệu theo trống gõ. Chặng "quả quách" có làn "Hát ru - Mời rượu" lại càng hấp dẫn. Những Xoan nữ khéo léo bầu rượu trên tay rót từng chén hạt mít. "Ai được chén rượu này trường sinh bất lão...", bà trùm Lịch lời êm như hát, còn nữ phiên dịch xinh đẹp lấn bấn nói gì, ông "Tây" phấn khởi mừng rỡ ra mặt, chẳng ngại ngần uống luôn cảm tạ. Rồi "Mó cá" xướng lên, cả đoàn khách nước ngoài bị mê hoặc đã cuốn cả vào trong vòng tròn cùng vui múa tự lúc nào...
"Thật là tuyệt vời. Tôi chưa bao giờ được nghe bài hát nào như vậy. Văn hóa của chúng tôi không giống thế này. Tôi cảm thấy rất thích thú và hạnh phúc khi được hòa vào một phần văn hóa của các bạn", chị Natasha Neustaedter Barg, một tình nguyện viên đến từ Canada trong chuyến công tác đến Việt Nam, biểu lộ cảm xúc.
Còn ông Charlotte Pinder - một du khách Anh ngạc nhiên: "Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng, khám phá nét cổ kính của ngôi nhà cổ ở đây và trải nghiệm quy trình làm miến, bún, bánh đa, bánh chưng tại xã Hùng Lô đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Nhưng đặc biệt hơn, tại đây tôi còn được nghe hát và trực tiếp tham gia múa các điệu Xoan cổ trong không gian cổ kính tại đình Hùng Lô. Tôi cảm nhận được sự linh thiêng của nghi thức hát thờ Vua Hùng qua từng giai điệu, nghệ thuật biểu diễn và hiểu hơn về giá trị di sản Hát Xoan của các bạn".
Đình An Thái, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn, từ khi Xoan được UNESCO vinh danh di sản, và nhất là khi Việt Trì được Thủ tướng phê duyệt hướng tới thành phố du lịch về cội nguồn dân tộc Việt Nam, đã nhiều năm qua tấp nập đón khách trong nước và bạn bè quốc tế. Hồi trước đại dịch Covid-19, có tuần những địa điểm này đón tới vài đoàn khách quốc tế mỗi tuần. Những phường Xoan gốc bận rộn luyện tập. Hàng chục di tích không gian văn hóa thực hành hát Xoan được tu bổ, phục hồi khá hoàn chỉnh.
Cùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan đang được trình diễn lung linh hơn và di sản này cũng được trao truyền khá hiệu quả. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản, nay toàn tỉnh đã có cả 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và hàng trăm nghệ nhân kế cận, còn số câu lạc bộ Xoan đã xuất hiện khắp nơi với hàng ngàn người tham gia. Người trẻ có thể cảm thụ Xoan, yêu Xoan hơn, tự hào hơn. Đất Tổ thực sự đang có giải pháp khéo léo khi đưa Xoan ra "đối ngoại", lan tỏa Xoan đến với bạn bè quốc tế...
Bên đình lại có góc chợ quê bày bán, giới thiệu nông sản trung du. Khách được xem, được nghe lại được gói mang về...
Di sản không có du lịch là di sản “nghèo"
Những tour du lịch lữ hành đường thủy mang khách quốc tế từ bờ biển Hạ Long chạy ngược sông Cầu ghé coi quan họ Bắc Ninh, rồi men theo sông Hồng đến ngã ba Bạch Hạc mà bẻ lái trên dòng Lô giang đã cập đình Hùng Lô mà thưởng Xoan.
"Cả ngàn khách quốc tế hằng năm. Tuy họ chưa lưu trú qua đêm nhưng chắc chắn đã nạp một nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương", ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định.
Còn theo ông Tạ Hữu Chiến - Giám đốc Sunvina Travel, những tour trong ngày Hà Nội - Phú Thọ là "sáng kiến, bước đột phát cho các tỉnh lân cận học tập" dù thời gian đầu có thể thưa khách, nhưng cung đường tour và thói quen sẽ dần hình thành kéo khách đến với đất Tổ. Đất di sản sẽ hút khách, trong đó có khách quốc tế.
Đúng như GS Romeo Carabelli (Pháp) từng nói: “Một di sản không có du lịch là một di sản “nghèo", bởi vì di sản đó chỉ được biết đến bởi một cộng đồng hạn chế, một nền du lịch không di sản cũng là một nền du lịch “nghèo”; bởi vì nền du lịch đó cũng chỉ tồn tại ở một địa bàn nhất định”.
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đánh giá cao sáng kiến của Sở VHTTDL khi ký kết với các công ty du lịch lữ hành để đưa Xoan làng cổ "đối ngoại", và thành sản phẩm du lịch hút khách, một cách truyền cảm hứng và tạo động lực cho những người đang bảo tồn, phát huy di sản. "Tiền đấy chứ đâu. Nhưng di sản và giá trị đặc sắc của Xoan được thế giới ghi nhận có thành sản phẩm du lịch hấp dẫn không là câu chuyện khác, làm không khéo khách tới xem xong về bảo tưởng thế nào chứ hóa ra chẳng có gì, là chết”, ông Hà Kế San - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nói.
Cũng có thể nói phục hồi mạnh mẽ của hát Xoan trong vòng 10 năm qua là kết quả nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là của cộng đồng Xoan tại các phường Xoan gốc trong việc tích cực triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản để đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Không chỉ là lối riêng níu chân khách Tây
Chọn bài theo từng chặng hát cho phù hợp. Nữ nghệ nhân lại rất đẹp, hát hay. Còn có hướng dẫn viên khi đi cùng khách trên đường đến phường Xoan thạo ngoại ngữ mà giới thiệu về di sản. Đất Tổ mang Xoan phô diễn "đối ngoại" quả là khéo léo.
Khách quốc tế đến làm việc với tỉnh Phú Thọ hoặc tìm hiểu đầu tư, người nước ngoài lưu trú tại khách sạn lớn ở TP Việt Trì, đều được giới thiệu xem Xoan, hoặc cứ như "vô tình" nhận được tờ rơi quảng bá làn ghẹo cổ. Thống kê đủ cả khách Anh, Mỹ, Australia, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... hết thảy thích thú đi coi Xoan mà chẳng muốn rời vẻ đẹp thanh bình đầy ắp văn hóa làng Việt ở đất Tổ cội nguồn. Xoan di sản đã xóa đi rất nhanh khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, mà bắt tay thân thiện, cả những cái ôm ấm áp dành cho các đào kép, nghệ nhân.
Ông Zivy Gerard, du khách Pháp, cùng nhiều du khách quốc tế đã kịp lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp nhất về đình Hùng Lô. Ông cảm nhận: "Đây là một loại hình biểu diễn rất hay, tôi chưa bao giờ từng được xem trước đây. UNESCO công nhận là Di sản thế giới, thật là tuyệt vời. Trong tương lai sẽ có nhiều người đến Việt Nam để thưởng thức loại hình nghệ thuật này, và tôi cũng mong sẽ được quay trở lại Việt Nam".
Còn bà Elizabeth Linder, đến từ Mỹ, thì không giấu được hân hoan: "Đây là cơ hội tuyệt vời đối với tôi. Hát Xoan quá đặc biệt. Và tôi rất ấn tượng với quang cảnh thiên nhiên và con người vùng đất cội nguồn của các bạn. Tất nhiên là tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè và cho người thân về loại hình nghệ thuật đặc biệt này".
Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, nhạc cụ hòa Xoan cũng giản đơn. Cái trống nhỏ, vài cặp phách tre, là các nghệ nhân có thể biểu diễn những làn Xoan say đắm. Khách du còn phải nấn ná với nỗi niềm xúc động sau màn chiêm ngưỡng di sản, cũng là minh chứng thấy được nỗ lực gìn giữ, bảo tồn những câu ca cổ, điệu múa dân gian sống qua lịch sử mấy ngàn năm. Nhiều du khách khi tới Phú Thọ đều chung cảm nhận từ đất Tổ khi trải nghiệm "kho báu" Xoan vẫn đang được gìn giữ như một nét văn hóa thuần Việt.
Đề cập đến việc giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan, GS.TS Tô Ngọc Thanh khẳng định: Hiện cả Phú Thọ có 4 làng Xoan thì cả 4 đều có đội hát Xoan. Điều đó kích thích cho toàn dân, ít nhất là ở những khu vực có hát Xoan vào cuộc để bảo tồn và phát huy giá trị hát Xoan. Lớp trẻ đã giữ thì yên tâm là con cháu của chúng sau này cũng sẽ giữ. Và thế là chúng ta vẫn giữ được hát Xoan trong hình thái sống động của nó. Dù vậy, chúng ta cần đầu tư cho việc bảo tồn hát Xoan một cách tập trung, có trọng điểm. Cấp thiết nhất là việc tiến hành phục dựng lại những di tích gốc, tạo ra không gian biểu diễn cho hát Xoan. Cùng với đó và việc bổ sung kinh phí hoạt động cho các phường Xoan, các nghệ nhân duy trì sinh hoạt. Ngoài ra, việc đưa hát Xoan vào trường học và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân hát Xoan để khuyến khích họ duy trì và phát triển nghệ thuật hát Xoan cũng là một biện pháp thiết thực.
Theo: Đại đoàn kết