KHÔNG CÓ HỌC SINH CHÁN LỊCH SỬ DÂN TỘC
![](http://editor.phuthodfa.gov.vn/module/ckfinder/userfiles/images/lich%20su.jpg)
Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó TBT tạp chí Văn nghệ Quân đội trao đổi nội dung sáng tác văn học về đề tài lịch sử tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ hôm nay 11/5/2022.
Điểm môn sử quá thấp có phải là do học sinh dốt sử và chán sử? Khi nghĩ về vấn đề này, tôi tự nhiên liên tưởng đến hai nhân vật lẫy lừng đã từng bị báo chí dè bỉu là những kẻ “ngu ngốc”, “thiểu năng trí tuệ”. Đó là người sáng lập tập đoàn xe hơi nổi tiếng Henry Ford và nhà bác học lừng danh Albert Einstein.
Trong cuốn “Cách nghĩ để thành công” (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh- 2016), Napoleon Hill đã kể về vụ kiện của Henry Ford. Trong chiến tranh thế giới thứ Nhất, một tờ báo lớn của Mỹ là Chicago Tribune đã viết nhiều bài bôi bác rằng Henry Ford là một kẻ "ngu dốt” và “không có khả năng suy nghĩ”. Henry Ford kiện tờ báo về tội lăng mạ người khác. Tại tòa, các luật sư của báo Chicago Tribune đã tìm cách chứng minh rằng Henry Ford đúng là người “ngu dốt”.
Một câu hỏi của luật sư là: "Có bao nhiêu lính Anh được điều động đến Hoa Kỳ để dập tắt cuộc nổi dậy năm 1776?". Henry Ford trả lời: “Tôi không biết chính xác số quân lính mà người Anh đã điều đi, nhưng tôi cho rằng đó là một con số lớn hơn rất nhiều so với số lính Anh có thể trở về quê hương”.
Quá mệt mỏi với các câu hỏi tiếp theo đại loại như “Benedict Arnold là ai?”, “Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ được bầu năm nào?”..., Henry Ford đã chồm người về phía luật sư và nói dõng dạc:
"Nếu tôi thực sự muốn trả lời câu hỏi ngớ ngẩn mà ngài vừa hỏi hoặc bất kỳ câu hỏi nào khác mà ngài sẽ hỏi, hãy để tôi nhắc ngài rằng, tôi có một dãy nút bấm trên bàn làm việc. Chỉ cần nhấn nút, tôi có thể triệu tập ngay lập tức các trợ lý chuyên môn, những người có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào. Bây giờ ngài vui lòng cho tôi biết tại sao tôi phải nhồi nhét vào đầu mớ kiến thức ấy chỉ vì mục đích vớ vẩn là trả lời những câu hỏi của ngài trong khi tôi có các nhân viên xung quanh có thể cung cấp cho tôi những kiến thức mà tôi cần biết?”.
Câu trả lời trên đã hạ đo ván ông luật sư. Mọi người trong phiên tòa đều nhận ra rằng đó không phải là câu trả lời của một kẻ ngu dốt mà là của một người có học, có trải nghiệm. Bất cứ người có học nào cũng biết tìm lấy kiến thức ở đâu khi cần thiết và làm thế nào để biến những kiến thức đó thành những kế hoạch thực tế.
Bằng cách sử dụng đội ngũ trợ lý chuyên môn, Henry Ford đã có được kiến thức chuyên ngành cần thiết để xây dựng tập đoàn xe hơi Ford, giúp ông trở thành người giàu nhất nước Mỹ mà không nhất thiết phải nhồi nhét vào đầu óc ông toàn bộ kiến thức về ngành công nghiệp chế tạo ô tô.
Cũng giống như Henry Ford, nhà bác học vĩ đại Albert Einstein cũng từng bị coi là một kẻ “thiểu năng trí tuệ” khi không lập tức trả lời chính xác câu hỏi: “1 dặm (Anh) bằng bao nhiêu foot?”. Einstein đã đáp trả: “Tôi cần gì phải nhớ 1 dặm dài bao nhiêu foot, khi mà chỉ mất 2 phút tôi có thể tìm ngay đáp án trong cuốn bách khoa toàn thư”.
Có câu “thấy cây mà không thấy rừng” để chỉ những người quá câu nệ những điều nhỏ nhặt, tiểu tiết mà bỏ qua cái đại cục, bản chất. Người ta có bỏ được những cái khôn vặt mới có thể khôn lớn được.
Thời tuổi trẻ, Henry Ford ít được học ở trường, nên có người nghĩ phiến diện rằng ông không phải là người “có học vấn”. Những người mắc sai lầm này không hiểu đúng nghĩa của từ “học vấn” (education). Từ này bắt nguồn từ chữ “educo” trong tiếng Latin, có nghĩa là “suy luận, rút ra, nghiệm ra”.
Đòi hỏi học sinh ngày nay phải nhớ từng số liệu, ngày giờ trong môn sử cũng không khác gì bắt Henry Ford phải nhớ có bao nhiêu lính Anh được điều động đến Hoa Kỳ năm 1776, bắt Einstein phải trả lời chính xác 1 dặm bằng bao nhiêu foot, bắt một học sinh không chuyên toán phải trả lời ngay tức khắc căn bậc hai của abc là bao nhiêu.
Henry Ford có các trợ lý chuyên môn, Einstein có cuốn bách khoa toàn thư, học sinh ngày nay có trợ lý toàn tài là internet. Cái gì máy tính làm tốt như tính căn bậc hai của abc, như search google ra ngày tháng lịch sử... thì đừng bắt học sinh phải nhớ.
Ghi nhớ tốt không hẳn là thông minh. Học thuộc lòng không phải là học sáng tạo. Con người khác với máy móc ở chỗ sáng tạo. Bộ não nên được sử dụng để suy nghĩ, tư duy và phân tích, hơn là việc coi nó là một cái kho để nhồi nhét những con số.
Từ các câu chuyện trên, chúng ta có thể nói, những học sinh không nhớ các con số, sự kiện, những học sinh bị điểm kém môn sử trong trường học vẫn đầy ắp cơ hội để thành công trong trường đời. Hiện nay, chỉ có học sinh chán cách dạy sử nhồi nhét những con số chứ không có học sinh chán lịch sử hào hùng của dân tộc./.
dhq