Diễn đàn năm nay do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Đây là kênh đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cùng cộng đồng các nhà tài trợ, cơ quan ngoại giao nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Nội dung thảo luận chính của VBF 2015 tập trung vào 10 nhóm vấn đề bao gồm: Thương mại, Đầu tư, Cơ sở hạ tầng, Quản trị minh bạch, Ngân hàng, Thị trường vốn, Nông nghiệp, Giáo dục - đào tạo, Nguồn nhân lực, Ôtô, xe máy và khoáng sản.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Xét trong bối cảnh hiện tại Việt Nam đã là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại quan trọng, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế chính sách là rất quan trọng”. Muốn vậy, những tồn tại được chỉ ra lâu nay như năng suất lao động thấp, bộ máy hành chính công rườm rà, nhiêu khê, tình trạng tham nhũng… cần phải được khắc phục hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trong tình hình hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng được đánh giá sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam mở rộng kim ngạch thương mại cũng như tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chẳng hạn như với TPP, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng gần 30% khi Hiệp định được thực thi và GDP đến năm 2025 có thể tăng 10%, hoặc nếu EVFTA có hiệu lực, GDP có thể tăng hơn 15% và giá trị xuất khẩu sang EU có thể tăng gần 35%.
Tuy vậy, bối cảnh mới lại khiến nhiều ý kiến bày tỏ mối lo ngại số lượng doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ những thành công hội nhập sẽ rất hạn chế. "Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ nhưng khu vực trong nước vẫn không tham gia được chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ, phải làm sao để khu vực này tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận định.
Bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ cũng đánh giá, 2/3 xuất khẩu của Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn sự đóng góp của doanh nghiệp nội trong chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu là lao động tay nghề thấp.
Còn theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, nếu không gia tăng được năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào thế phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác trong khu vực và chỉ có thể hấp dẫn nhà đầu tư với tư cách là một thị trường tiềm năng nơi bán được nhiều sản phẩm.
VBF 2015 diễn ra trong thời điểm được cho là rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, cũng có nghĩa là Việt Nam đã đi được một nửa chặng đường của Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 2011 - 2020, với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Năm nay cũng được coi là năm Việt Nam bước thêm một bước quan trọng trên đường hội nhập. Và, VBF 2015 là diễn đàn đầu tiên sau khi Việt Nam đã và sắp ký kết một loạt các Hiệp định thương mại (FTA) song phương, đa phương quan trọng, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga – Belarus - Kazakstan và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
VBF đã trở thành hoạt động thường niên và là kênh đối thoại hiệu quả giữa Chính phủ và Cộng đồng doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sức hấp dẫn và sự quan tâm của Diễn đàn càng ngày càng gia tăng, thể hiện qua sự xuất hiện thêm của nhiều thành viên mới. Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá rất cao diễn đàn này.
Theo báo Thế giới và Việt Nam
|