Một lần, Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học B.K. Passi, Hiệu trưởng một Trường Đại học Ấn Độ sang làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Buổi sáng đón tiếp ông, khoảng 100 người có mặt, trong đó đầy đủ các quan chức và cán bộ nghiên cứu. Nhưng đó chỉ là buổi tiếp xã giao.
Buổi chiều, Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học B.K. Passi có một bài giảng về “Tư duy sáng tạo” và đây là hoạt động chính của ông trong chuyến thăm và làm việc của ông tại Việt Nam.
Theo lịch, 13h30 bài giảng sẽ bắt đầu. Nhưng điều không may đã xảy ra, trời mưa rất to, chính vì vậy, đúng 13h30 cả hội trường chỉ khoảng chục người. Đợi 15 phút thì có thêm một vài người nữa và trời vẫn tiếp tục mưa to.
Không thể chậm chễ hơn, bài giảng bắt đầu trong bầu không khí nặng nề. Một tình huống đặt ra làm thế nào để phá vỡ không khí căng thẳng khi cả chủ lẫn khách đều cảm thấy ngượng ngùng? Và vị khách Ấn Độ đã làm một điều thật khéo.
Sau lời chào, giáo sư Passi mở đầu: “Ở đất nước chúng tôi, vào những hôm thời tiết như thế này, dù đó là cuộc nói chuyện của Tổng thống đi chăng nữa thì không cần phải thông báo, mọi người cứ việc ở nhà, còn ở đây, mặc dù trời mưa rất to, các bạn vẫn có mặt…”. Cả phòng cười ồ lên, không khí căng thẳng, nặng nề lập tức biến mất.
Câu mở đầu của ông thật là hóm hình và thông minh, không biết điều đó có xảy ra thật ở đất nước của ông hay không, hay chỉ là câu đùa tế nhị, hay có thể hiểu là lời phê bình khéo… nhưng cả chủ lẫn khách đều có cái “lý” và cái “cớ” để cùng chấp nhận một cách thoải mái tự nhiên nhất. Và đúng như dự đoán, bài giảng hôm đó hết sức thành công.
Tổng Hợp