
Trong cuốn “33 chiến lược của chiến tranh” (Nhà xuất bản Trẻ), tác giả Robert Green kể chuyện năm 1519, một sĩ quan Tây Ban Nha là Hernan Cortes với mấy trăm binh sĩ lênh đênh trên chục chiếc thuyền, xuất phát từ đảo Cuba, tiến vào Mexico chinh phục đế quốc Aztec hùng mạnh.
Các binh sĩ Aztec mạnh mẽ và hung hãn nhất ở Tân Thế giới. Họ lột da người, ăn thịt tù binh và khoác da người lên mình như chiến lợi phẩm. Phải đối mặt với đội quân đó, binh lính Tây Ban Nha rất hoảng sợ, tìm mọi cách bàn lùi, bỏ trốn. Trước quyết tâm sắt đá chỉ tiến không lui của Cortes, binh lính đã lên kế hoạch giết ông. Nhận diện được tình hình, Cortes đã ra lệnh đốt thuyền, tuyệt đường về. Ông nói với binh lính, chỉ có chiến thắng hoặc là chết. Đối với binh lính, những con thuyền là chỗ dựa duy nhất để rút lui. Bị đẩy vào tuyệt lộ, Cortes đã khiến binh lính chiến đấu với cường độ cao nhất, 500 người đánh bại hơn 1 triệu quân tinh nhuệ của đế quốc Aztec, chinh phục được vùng đất Mexico.
Hơn 1.700 năm trước khi diễn ra kì tích của Cortes, ở Trung Quốc cổ đại, đã ghi dấu một câu chuyện phi phàm. Tướng nhà Hán là Hàn Tín khi đánh nước Triệu cũng bày trận Tỉnh Hình, đặt binh sĩ của mình vào tuyệt lộ. So về thực lực, quân Hán của Hàn Tín không thể thắng quân Triệu chỉ huy bởi tướng Trần Dư. Hàn Tín bày trận quay lưng ra sông, đây là hạ sách trong cách dùng binh vì không có chỗ dựa vững chắc. Trần Dư nghĩ về điểm sơ hở này và tập trung toàn lực công kích, dồn quân Hàn Tín ra phía sông. Hàn Tín nói với binh sĩ rằng họ không còn đường lui, lui nữa là chết đuối. Chỉ có con đường sống duy nhất là quay lại chiến đấu. Quân Hán nhất tề quay lại phản công, sức một người địch nổi chục người. Quân Triệu đang truy kích bỗng bất ngờ bị tấn công ngược lại, nên bối rối, tan rã, mạnh ai nấy chạy. Chưa đầy 4 vạn quân Hàn Tín đã đánh tan hơn 10 vạn quân của tướng Trần Dư, vua Triệu bị quân Hán bắt sống.
Sau trận thắng lẫy lừng trên, vua Hán là Lưu Bang hỏi vì sao lại bày “trận bối thủy” (quay lưng ra sông), Hàn Tín đáp rằng, quân Triệu đông, quân Hán ít, nếu không đặt binh lính vào một tình thế tuyệt vọng, nơi mỗi người buộc phải chiến đấu cho sinh mạng của chính mình, mà cho phép họ ở nơi an toàn, thì họ đã bỏ chạy hết.
Khi rơi vào tình huống tuyệt vọng, người ta sẽ thấm câu “Nước đến tận cùng là thác đổ, người đến đường cùng tất hồi sinh” (Thuỷ đáo tuyệt cảnh thị phi bộc, nhân đáo tuyệt cảnh thị trùng sinh). Hai nước Đức và Nhật đại bại, bị quân đồng minh chiếm đóng sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Từ những nơi kiệt quệ nhất, vài chục năm sau, họ vươn lên thành các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Có vẻ như từ một đống tro tàn, dễ xây dựng lên một nhà máy mới hơn là đập một nhà máy cũ để xây một nhà máy mới.
Singapore, Israel cũng là các ví dụ sinh động về những miền đất vươn lên trong hoàn cảnh bị dồn ép đến đường cùng. Khi bị bắt phải độc lập, Singapore chỉ như một làng chài, đến nước ăn cũng không có. Israel thì lập quốc trong sự thù hằn, phong tỏa, tấn công của cả thế giới Ả Rập. Nghịch cảnh có thể chôn vùi một cộng đồng nhưng cũng là cơ duyên để khẳng định phẩm giá, bản lĩnh của một dân tộc. Vượt lên nghịch cảnh đã khiến một làng chài hẻo lánh và một sa mạc khô cằn trở thành hai điểm sáng trên vỏ địa cầu. Hai đất nước nhỏ bé Singapore, Israel hiện là hai quốc gia khiến thế giới phải nể phục.
Thường khi không còn gì để mất khiến người ta quyết tâm hơn. Có nhiều sự chọn lựa, người ta không đặt tâm trí đủ sâu vào một việc để tiến hành nó một cách trọn vẹn. Quá nhiều phương án là không có phương án nào. Xem lại câu chuyện viên sĩ quan Tây Ban Nha Hernan Cortes, có khi bạn cần phải đánh chìm những con thuyền của chính mình, chỉ để lại một chọn lựa duy nhất: thất bại hoặc thành công./.
dhq