PHỤC THIỆN = BỎ TỐI THEO SÁNG
Truyền thông đưa tin hình vẽ một phiên tòa
Sáng lập triều đại nhà Hán thịnh trị 400 năm là Lưu Bang, vốn là một gã lông bông, chẳng hề chí thú làm ăn, chỉ thích giao du đầu đường xó chợ. Nhưng Lưu Bang khác Hạng Vũ ở chỗ ông biết phục thiện, biết thay đổi để tốt lên. Cứ xem cách hai người cư xử với Hàn Tín thì rõ.
Sách “Hán Sở tranh hùng” (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2009) kể rằng thuở hàn vi, Hàn Tín từng nhịn nhục, chịu chui qua háng một kẻ bán thịt lợn giữa chợ. Người đời ai cũng chê là hèn nhát. Khi Hạng Vũ khởi binh chống nhà Tần, Hàn Tín đi theo. Bao nhiêu năm dưới trướng Hạng Vũ, Hàn Tín chỉ được cầm kích đứng hầu. Hàn Tín tìm mọi cách dâng mưu kế, nhưng đều bị Hạng Vũ vứt bỏ, thậm chí còn sỉ nhục ông trước ba quân.
Hàn Tín bụng đầy mưu kế nhưng lực bất tòng tâm, bất mãn phải bỏ Hạng Vũ, lặn lội vào Xuyên theo Lưu Bang. Lúc đầu Lưu Bang cũng rất coi thường Hàn Tín, mấy lần không cho gặp. Nhưng khi nghe Tiêu Hà hết lòng tiến cử, Lưu Bang đã thay đổi hẳn thái độ. Ông cho đắp đàn, mời Hàn Tín lên trên, bái làm đại tướng quân, khác hẳn Hạng Vũ suốt đời chỉ coi Hàn Tín là kẻ chui háng hèn hạ. Sau Hàn Tín giúp Lưu Bang đánh thắng Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ.
Lưu Bang xuất thân quê mùa, Hạng Vũ vốn con nhà danh tướng. Lưu Bang là một người bình thường, cũng tham lam, cũng thích ăn chơi hưởng lạc. Khi dẫn quân khởi nghĩa tiến vào kinh đô nước Tần, Lưu Bang thấy vàng ngọc nhiều như núi, mỹ nữ đông như mây thì dục vọng bùng lên, thuộc hạ không sao ngăn được.
Chỉ đến khi Phàn Khoái cảnh báo Lưu Bang làm sao ứng phó với Hạng Vũ đang hùng hổ tiến vào kinh đô, ông mới sực tỉnh. Lưu Bang lập tức xa rời mỹ nữ, buông bỏ ngọc vàng, vội lui quân ra ngoài, nhường cho Hạng Vũ vào kinh.
Lưu Bang xuề xòa linh hoạt, biết bỏ tối theo sáng, biết trọng dụng người tài, còn Hạng Vũ thì cứng nhắc cố chấp, kiêu căng tự mãn, không coi ai ra gì. Lưu Bang lên ngôi hoàng đế nhà Hán, Hạng Vũ tự sát ở Cai Hạ là bởi biết và không biết phục thiện.
Đạo Phật, Kinh Thánh đều dạy con người hướng thiện, phục thiện. “Tây Du Ký” là một bộ phim kinh điển về phục thiện. Sa Tăng vốn là thủy quái ăn thịt người trên sông Lưu Sa. Đầu lâu của những người đi lấy kinh bị ăn thịt được xâu lại thành chuỗi vòng đeo trên cổ Sa Tăng.
Sa Ngộ Tĩnh là pháp hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cho khi giao Sa Tăng phò giá Đường Tăng đi lấy kinh để chuộc lại tội ác đã gây ra. Ngộ Tĩnh âm gốc đọc là Ngộ Tịnh (giác ngộ được tâm thanh tịnh). Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không cũng vì chuộc lỗi lầm, phò giá Đường Tăng lấy được chân kinh mà đều thành chính quả.
Giăng Van-giăng trong phim “Những người khốn khổ” cũng là một điển hình về phục thiện. Vì ăn trộm ổ bánh mì cứu mấy đứa cháu ruột đói lả, Giăng Van-giăng bị bắt đi tù. Trước khi vào tù anh là một thanh củi khô, khi ở tù ra anh là một que gỗ cháy. Anh đi đến đâu cũng gặp sự khinh ghét, xua đuổi. Chỉ có Đức Giám mục Myriel cho anh ăn ngủ và đối xử với anh như với một người bình thường, chứ không phải như một kẻ ra tù bị xua đuổi.
Nhưng 19 năm trong tù, Giăng Van-giăng hận đời, nuôi chí trả thù cuộc đời. Anh ăn cắp bộ đồ bằng bạc của Đức Giám mục, bị cảnh sát bắt. Đức Giám mục nói rằng bộ đồ bằng bạc là ông cho Giăng Van-giăng và yêu cầu cảnh sát thả anh. Rồi Đức Giám mục khuyên Giăng Van-giăng từ nay phải sống lương thiện và đối xử tử tế với mọi người. Từ đó, Giăng Van-giăng dùng phần đời còn lại của mình để cứu giúp những người khốn khổ. Là người được cảm hóa bởi tình thương, và đến lượt mình, Giăng Van-giăng dùng tình thương để chuộc lại lỗi lầm. Đó là hướng thiện và phục thiện.
Chỉ những kẻ cứng đầu quái đản, mất hết nhân tính mới cần loại trừ khỏi xã hội, còn lại đều cần cho cơ hội phục thiện. Người ta khó tránh sai lầm. Vấn đề là phải biết ăn năn, phục thiện. Cộng đồng cần rộng lượng, truyền thông nên bao dung với người có tội, miễn người đó không phải là những kẻ “cà cuống chết đến đít còn cay”.
Đừng kết tội một người khi tòa chưa tuyên án. Đừng chôn vùi một người khi họ còn đang sống. Ở những nước văn minh, tòa án chỉ cho phép truyền thông đăng tin với hình vẽ minh họa các phiên tòa, không được ghi hình, chụp ảnh mặt thật của các bị cáo, bởi khi mãn hạn tù, tội nhân vẫn là một con người.
Có câu rằng truyền thông luôn đi trước một bước. Về khía cạnh này, truyền thông ở ta cần tự mình phục thiện trước. Không được như vậy, thì dẫu Chí Phèo sống lại, cũng đành phải cay đắng hét lên: “Ai cho tao phục thiện? Làm thế nào để xóa hết những vết sẹo tràn ngập trên mạng này?”
Huyền Dư