SAI LẦM VÀ KHÁC BIỆT
Khổng Tử nói cốc nước đầy sẽ bị đổ. Học trò hỏi làm thế nào để không bị đổ, Khổng Tử bảo đổ bớt đi thì sẽ không bị đổ. Có vẻ như lối sống giữ mình cho lành đã lan tỏa, thấm sâu trong nhiều nước Á Đông?
Phương Tây được cho là mạo hiểm hơn và đổi mới hơn. Nhưng cầu an vốn là đặc tính của muôn loài. Là người, ai chẳng sợ sai sót. Càng trưởng thành, càng sợ sai. Ken Robinson, học giả người Anh, cho rằng trẻ em thường nghĩ sao làm vậy. Chúng có khả năng không biết sợ sai sót.
Tiếc thay, khi lớn lên, hầu hết người lớn đều đánh mất khả năng này. Gia đình, nhà trường và xã hội đều chê cười sai sót. Trong khuôn khổ hệ thống giáo dục quốc dân, sai sót, thi trượt là cái gì tồi tệ nhất mà một học sinh mắc phải.
Ra khỏi cổng trường, bước vào đời thực, có làm thì có sai. Làm nhiều, sai nhiều. Làm khác biệt, làm sáng tạo càng dễ sai sót. Nhà phát minh và là người giàu nhất thế giới Elon Musk nói nếu chưa thất bại, chứng tỏ sáng tạo của bạn chưa đủ độ.
Khi mọi người được dạy mọi cách tránh sai sót, cũng đồng nghĩa được dạy cách đánh mất khả năng sáng tạo. Vì thế, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục Anh đã yêu cầu không gọi học sinh "thi trượt", mà gọi là "thành công bị trì hoãn".
Ken Robinson kể chuyện khi Gillian Lynne còn học ở trường, cô bé thực sự làm mọi người thất vọng. Nhà trường biên thư cho bố mẹ cô, nói rằng Gillan không bình thường. Mẹ Gillian đưa con đến bác sĩ. Họ trao đổi về những khuyết điểm của cô bé mà nhà trường phản ánh như không làm bài, không chú ý học tập, ngó ngoáy suốt ngày, gây khó chịu cho mọi người. Rồi bác sĩ bảo muốn nói chuyện riêng với mẹ, để Gillian ở lại trong phòng.
Trước khi bước ra, bác sỹ bật chiếc đài. Khi họ vừa ra khỏi phòng, Gillian nhảy nhót ngay theo tiếng nhạc. Họ theo dõi vài phút, rồi bác sỹ nói với người mẹ rằng Gillian không có bệnh tật gì hết. Cô bé là một vũ nữ bẩm sinh. Hãy đưa cháu đến trường dạy múa.
Sau này, Gillian Lynne tốt nghiệp trường Vũ ba lê Hoàng gia và thành lập công ty của riêng mình. Cô đảm đương những chương trình biểu diễn thành công nhất, đem niềm vui đến cho hàng triệu triệu người và kiếm được hàng triệu triệu đôla. Thế mà nhẽ ra Gillian đã bị đưa đi điều trị vì thần kinh không bình thường. Câu chuyện trên là một lời nhắn nhủ để người lớn thay đổi tư duy về cách dạy trẻ.
Năm 2015, tôi có dịp trao đổi với bà Katherine Muler- Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Bà Muler bảo trẻ em chưa bị vướng vào các thói quen, đầu óc còn cởi mở là dễ tiếp thu cái mới và sự đổi thay nhất. Đa số người ta, càng lớn tuổi, càng có địa vị thì càng muốn có "vùng an toàn" cho mình. Người lớn thường hành động theo thói quen, e ngại sự khác biệt. Họ không muốn thay đổi và không dám thay đổi nữa. Thậm chí biết sự thay đổi sẽ tốt lên, nhưng họ vẫn không sẵn sàng đón nhận. Sự đổi thay sẽ dễ dàng hơn khi người ta còn trẻ.
Những người dấn thân nơi hiểm nguy, những nhà cách mạng xưa nay đa số đều là người trẻ. Người hành động vì lí tưởng, họ có động lực, tự đặt mục tiêu, tự tìm cách đổi thay. Những người khác có thể do sức ép nào đó, ví như lời hứa trước cử tri buộc phải thực hiện, nhiệm vụ cấp trên giao buộc phải hoàn thành...Không có áp lực đó thì ít người muốn đổi thay, nói gì đến đổi mới.
Ở Việt Nam, đại dịch Covid thời gian qua khiến tốc độ phát triển kinh tế suy giảm. Báo “Dân Trí” dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam cần thay đổi cách thức triển khai, cần chấp nhận một số sai sót để đạt mục tiêu. Hiện nay nhiều chỗ quá lo sai sót mà không quan tâm đến mục tiêu đã đặt ra.
Để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Kết luận số 14 của Bộ Chính trị gần đây nhấn mạnh, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Xưa nay, người mắc sai lầm thường không được trọng dụng. Nhưng cũng nên có cơ chế, chính sách để cán bộ nhẵn nhụi, tròn xoe, sợ trách nhiệm, sợ thay đổi thì cũng không thể trọng dụng. Có thế mới khuyến khích được người dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi vì lợi ích chung. Điều này cũng chẳng có gì mới. Từ thời thượng cổ, Tôn Tử đã nói không có chòm sao đặc biệt nào là tĩnh, bất kỳ khuôn mẫu nào cũng chỉ là tạm thời, điều cốt lõi là luôn luôn thay đổi.
dhq