Thua trận sau chiến tranh thế giới thứ Hai, nước Đức bị chia hai: Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDC Đức) ở phía Đông, Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) ở phía Tây.
Bức tường berlin ngày 09/11/1989
Vì hàng triệu người dân Đông Đức muốn trốn sang phía Tây nên năm 1961, CHDC Đức phải xây bức tường để ngăn cản. Đến năm 1989, sức ép xuất cảnh quá lớn khiến nhà nước Đông Đức phải tiến hành xây dựng quy chế du lịch mới.
Schabowski, người phát ngôn của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức không dự họp bàn về quy chế nhưng lại được giao chủ trì họp báo. Theo ghi chép trong hồi ký của Tổng bí thư Egon Krenz, 18 giờ 53 phút ngày 9/11, tại Trung tâm Báo chí Quốc tế ở phố Mohrenstrasse, một phóng viên hỏi ông Schabowski về tiến độ soạn thảo quy chế du lịch mới cho công dân CHDC Đức.
Trong khi Trung ương đang bàn dự định mở biên giới vào sáng ngày 10/11 thì phóng viên hỏi Schabowski thời điểm nào sẽ mở cửa biên giới. Ông lúng túng đáp: “Theo tôi được biết thì ngay bây giờ”.
Bìa sách nước Đức mùa thu năm 1989
Cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp nên thông báo của Schabowski được phát tán rộng rãi tức thì. Trong chốc lát đã diễn ra một sự kiện không ai tiên đoán được. Người dân Berlin đổ xô về phía bức tường. Đêm hôm đó, dòng xe trên các đường cao tốc về phía Tây mỗi lúc một dày đặc. Nhu cầu được xuất cảnh bị kìm nén từ bao năm, nay tất cả tuôn trào trong một đêm.
Các lực lượng biên phòng, hải quan, an ninh…đều lúng túng vì chưa nhận được chỉ đạo gì cụ thể của Trung ương. Họ bất ngờ phải đối diện với hàng nghìn người kéo tới, đòi sang Tây Berlin. Dưới sức ép kinh khủng ấy, đến 0 giờ 30 phút ngày 10/11/1989, tất cả các cửa khẩu sang phía Tây đều mở toang.
Trước đó mấy tuần, trong tình huống cấp bách, Egon Krenz được lựa chọn thay thế Tổng bí thư Erich Honecker để chèo chống khủng hoảng. Một tháng sau khi bức tường sụp đổ, Tổng bí thư Egon Krenz cũng buộc phải từ chức.
Trong cuốn hồi ký, ông viết: “Vì một nhầm lẫn nhỏ, Schabowski (người phát ngôn) đã gây ra hậu quả lớn”. Nhưng nếu nói thành La Mã không xây dựng xong sau một đêm thì làm sụp đổ bức tường Berlin cũng không phải là chuyện sau một đêm.
Chính người đứng đầu Đảng và Nhà nước Đông Đức cũng đã tự hỏi: “Nguyên nhân của phát triển lệch lạc ở CHDC Đức là gì? Chắc nó không sinh ra trong mấy tuần vừa rồi”.
Theo cuốn hồi ký thì chất lượng cung cấp hàng hóa cho dân chúng ở Đông Đức ngày càng tồi tệ. “Chúng ta thiếu nhiều mặt hàng cho cuộc sống hằng ngày. Nhiều thứ hàng hóa trước đây mấy năm còn có trong cửa hàng bình thường, nay phải móc ngoặc mới mua được. Tình hình cung cấp xe hơi là đặc biệt khó khăn. Thời gian chờ mua mới xe Trabant hoặc Wartburg có khi kéo dài đến 18 năm. Tại sao chủ nghĩa tư bản ở Tây Đức giải quyết được những vấn đề mà hằng chục năm ở Đông Đức không giải quyết nổi - ví dụ như sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp, chế tạo ô tô?”
Người dân Đông Đức muốn vượt biên sang Tây Đức để có cuộc sống tốt hơn. Kant là Chủ tịch Hội Nhà văn CHDC Đức kể rằng, khi trả lời câu hỏi cái gì là tốt nhất của CHDC Đức, ông đã nói: “Là CHDC Đức đang tồn tại”. “Thế cái gì là tệ nhất của CHDC Đức?”, tôi buộc phải nói rằng: “Là CHDC Đức đang tồn tại ở dạng hôm nay.”
Vì sao CHDC Đức lại tụt hậu như vậy? Vì sao cùng là người Đức nhưng miền Đông lại kém miền Tây? Câu trả lời là chủ nghĩa bình quân đã làm thui chột mọi động lực. Cựu Tổng bí thư Egon Krenz dẫn lời của Bayer: “Ở nước ta, thành tích do có cố gắng, do có công lao lại không đóng vai trò gì cả. Bất kể khôn hay ngu, lười hay chăm, không sao cả. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta trả công cho tất cả mọi người đều gần bằng nhau".
Cùng với chủ nghĩa bình quân là sự mơ hồ về các quy luật kinh tế. Đông Đức sa vào tụt hậu không chỉ vì có quá ít dân chủ, mà chính vì sự phủ định các quy luật kinh tế trong lãnh đạo kinh tế. Những quyết định kinh tế sống còn chỉ được đề xuất trong một nhóm nhỏ. “Trong bộ máy nhà nước và các viện khoa học có nhiều tài năng lớn, nhưng chúng tôi ít chịu dựa vào họ”- Egon Brenz cay đắng đưa ra nhận xét này.
Không dựa vào khoa học thì sinh chủ quan. Chủ quan khiến người ta không chịu tự sửa đổi và không chịu cải cách. Bức tường Berlin sụp đổ chỉ là giọt nước tràn ly. Vấn đề không phải là sai sót của cá nhân một người phát ngôn ngày 9/11/1989 mà là sai lầm của cả một hệ thống mấy chục năm trời không chịu đổi mới. Đó chính là bài học từ “Nước Đức mùa thu 89”. Xem lại Mùa thu ’89 ở Đức, chúng ta càng thêm trân trọng Đổi mới ’86 ở Việt Nam.
Tự Thủy