
Lễ hội đình Khoang xã Hương Cần
Đến nay, trên địa bàn huyện có 09 di tích, trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia: Đình Thạch Khoán (xã Thạch Khoán) và 08 di tích cấp tỉnh: Đình Chung (xã Giáp Lai); đình Khoang (xã Hương Cần); đình Vỏ Trong (xã Yên Lương); đình Thủ Rồng (xã Yên Lãng); đình Nưa (xã Tân Lập); đình Lương Nha (xã Lương Nha); đình Cả, đình Tế (xã Tất Thắng).Để công tác quản lý, tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa có hiệu quả, UBND huyện đã ban hành văn bản triển khai thực hiện các quy định của nhà nước như: Luật Di sản văn hóa, các Nghị định, Thông tư về quản lý di tích lịch sử văn hóa các xã, thị trấn trên địa bàn. Vì vậy, các di tích trên địa bàn huyện nhìn chung được quản lý và bảo vệ tốt. Hầu hết các xã có di tích đều đã thành lập được ban quản lý di tích nhằm phát huy ý thức tự quản của nhân dân trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hoá. Có những ban quản lý đã thực hiện rất tốt trong công tác bảo quản và phát huy tác dụng của di tích như ở đình Thạch Khoán (xã Thạch Khoán), đình Khoang (xã Hương Cần)... Sự phát triển mạng lưới các ban quản lý di tích đem lại tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ, gìn giữ các công trình kiến trúc tôn giáo truyền thống trên địa bàn toàn huyện.
Ngoài ra, huyện Thanh Sơn đã hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức các lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện. Trong 09 di tích được xếp hạng, hằng năm đều tổ chức lễ hội truyền thống, thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của lễ hội trong đời sống văn hoá tinh thần, từ đó có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Các lễ hội truyền thống còn góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thông qua việc tìm hiểu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; xây dựng tốt nếp sống văn hoá trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội.
Công tác đầu tư, tư bổ, tôn tạo các di sản văn hoá được thực hiện với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2014, trên địa bàn đã tu bổ, tôn tạo được 02 di tích lịch sử văn hoá: 01 di tích lịch sử Quốc Gia Đình Thạch Khoán, Đình Cả - xã Tất Thắng với tổng số vốn nhà nước hỗ trợ là 400 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích còn có một số hạn chế như: Đội ngũ cán bộ tại địa phương còn hạn chế trong việc nắm bắt kịp thời các văn bản, hướng dẫn của nhà nước về quản lý tại các khu di tích; việc đầu tư của nhà nước cho các di tích còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến duy trì, bảo tồn, tôn tạo tại các di tích; chất lượng lễ hội và các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí hạn.
Trong thời gian tới, Thanh Sơn tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ cấp huyện đến cơ sở về công tác quản lý, bảo tồn di tích LSVH trên địa bàn; duy trì, quản lý tốt các hoạt động và lễ hội tại các di tích; đảm bảo phương án phòng chống bão, lụt, cháy, nổ trộm cắp tại các di tích, đực biệt các di tích đang trong tình trạng xuống cấp, các di tích có kiến trúc gỗ, các điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, các di tích có hoạt động thờ cúng thường xuyên; thực hiện tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa tại các di tích trên địa bàn huyện; khuyến khích các địa phương huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ sửa chữa nâng cấp các di tích bị xuống cấp, các trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thể thao trong các dịp lễ hội.
Nguồn: Báo Phú Thọ