Ba đứa trẻ Việt Nam trên đường Phủ Lý năm 1945, ảnh internet
“Chết đói”, từ này khiến ta nhớ về năm Ất Dậu1945. Quê tôi chợ Dầu ở chỗ giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Nạn đói năm ấy, người dân Thái Bình, Nam Định dắt díu nhau qua đây để lên Hà Nội xin ăn. Nhớ bà tôi kể, nhiều người không đi tiếp được, chết đói ở chợ. Một người đàn bà nằm bất động, nhưng chiếc nón úp trên ngực vẫn động đậy. Người thu dọn tử thi mở nón ra thì đứa bé miệng vẫn đang nhay đầu vú tóp teo trong khi người mẹ đã qua đời. Chết vì đói. Hơn 2 triệu đồng bào ta đã chết tức tưởi như thế.
Vào một năm Ất Dậu khác, năm 1765, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát chết, quyền thần Trương Phúc Loan giết người con lớn, lập đứa con nhỏ lên làm chúa để thâu tóm binh quyền. Từ đó, các nguồn lợi chủ yếu của vương quốc Đàng Trong đều rơi vào tay Trương Phúc Loan. Cuốn Các triều đại Việt Nam (Nxb Thanh Niên) ghi rằng thời ấy mỗi lẻ gạo trị giá một tiền, ngoài đường đầy xác chết đói, người nhà có khi ăn thịt nhau. Trương Phúc Loan cùng đám quan lại thì vẫn tham tàn vơ vét của dân. Ngày nắng, Loan cho phơi của cải quí báu làm sáng rực cả một góc trời. Đó chính là bối cảnh xảy ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ.
Năm 1795 ở các vùng ngoại ô Paris, thợ thuyền chết đói, các bà mẹ phải tự kết liễu cuộc đời mình sau khi đã dìm xuống nước hoặc đâm chết tất cả đàn con của họ. Những cái chết thương tâm này được ghi trong cuốn Cuộc đời và sự nghiệp của Napoleon Bonaparte (Nxb Thời đại). Đó là những năm tháng thành quả của cách mạng Tư sản Pháp bị cướp đoạt, nông dân và thợ thuyền bị đàn áp bởi bọn cơ hội chính trị. Trong bối cảnh ấy, đã xuất hiện nhân vật lịch sử Napoleon Bonaparte.
Một đứa trẻ trong nạn đói hiện nay ở Yemen
Xem thế mới biết, chết đói không chỉ vì thiên tai, mà còn vì nhân họa. Tại một khóa học quốc tế bên Hàn Quốc năm 2018, trong khi chúng tôi hào hứng kể với bạn bè về những nét độc đáo cảnh quan, những tiềm năng riêng có và cơ hội phát triển của từng nước thì một bạn người Yemen đã bật khóc khi nói về đất nước của anh. Sau những năm tháng chìm trong xung đột, nội chiến, hàng triệu đồng bào của anh đang bị đe dọa bởi nạn đói. Trung bình mỗi ngày có khoảng 130 người chết đói ở Yemen.
Ở Việt Nam hiện đang là thời điểm của những ngày giáp hạt. Dù phải đối phó với dịch bệnh, chúng ta vẫn có khả năng xuất khẩu gạo ra thế giới. Tuổi trẻ sinh ra trong hòa bình, no ấm hôm nay ít người biết đến từ “giáp hạt” nhưng thế hệ cha anh nhiều người còn chưa quên câu “tháng 8 đói qua, tháng 3 đói chết”. Hơn 2 triệu đồng bào ta chết đói năm 1945 khi dân số cả nước lúc ấy chỉ trên 20 triệu người.
Nhắc lại chuyện này để ta không được phép quên tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhắc để ta không quên thành quả cách mạng mà cha anh phải đổi bằng máu mới có được. Nhắc để ta không quên bổn phận làm cho đất nước Việt Nam ngày một hùng cường, để không bao giờ chịu nô lệ dưới ách kẻ thù. Quên là làm cho những người chết lại bị chết thêm lần nữa.
Dư Tiểu Mai