ĐẶC CÁCH CHO CÁI SAI ?
Thái úy Tô Hiến Thành từ chối đề nghị sai của Hoàng hậu.
Ai xem Tam Quốc đều nhận thấy trong số các con trai, Tào Tháo yêu Tào Thực hơn cả. Thời bấy giờ có câu “Thiên hạ tài hữu nhất thạch, Tào tử kiến độc chiếm bát đấu" (tài năng trong thiên hạ tất cả có 1 thạch, bằng 10 đấu, thì một mình Tào Thực chiếm tới 8 đấu). Tào Thực là con thứ, nhưng tài hoa giống cha nhất nên được Tào Tháo sớm quy hoạch làm người kế vị.
Để củng cố thực lực cho người kế vị, năm Kiến An thứ 24, Tào Tháo cử Tào Thực đem quân xuất chinh. Tào Thực ngông nghênh kiêu ngạo, nhận chuốc rượu mừng suốt đêm, sáng hôm sau đúng hẹn không ra cầm quân. Tháo sai người đến giục lên đường nhưng mấy lần Thực vẫn chưa tỉnh rượu. Tháo bực tức và thất vọng, đành bãi bỏ việc sai Thực cầm quân. Kể từ đó, Tào Thực bị đặt bên lề của bàn cờ chính trị Tam Quốc.
Thời Xuân Thu Chiến Quốc cũng có chuyện Tư Mã Nhương Thư khiến một kẻ kiêu căng tự phụ phải trả giá vì không chấp hành quân lệnh đúng giờ. Theo Sử ký, lúc bấy giờ, Tề là một nước yếu, bị các nước lân bang xâm phạm. Tư Mã Nhương Thư có tài đức, được vua Tề phong làm tướng quân. Một người được vua yêu là Trang Giả được phong làm giám quân.
Nhương Thư hẹn Trang Giả đến quân doanh đúng giờ nhưng Trang Giả vốn kiêu ngạo, cậy được vua yêu, không phục Nhương Thư nên cố tình đến muộn. Nhương Thư chiếu theo quân pháp, lệnh chém đầu Trang Giả để làm gương cho ba quân. Vua Tề nghe tin, vội cho sứ giả cầm cờ tiết đến toan tha cho Trang Giả nhưng Nhương Thư vẫn quyết chém đầu kẻ coi thường quân lệnh.
Nhương Thư không chỉ cương trực, công bằng, giữ nghiêm quân lệnh mà còn hết lòng yêu thương quân sĩ, chia ngọt sẻ bùi với họ nên uy tín của ông trong quân rất lớn. Các nước lân bang khi nghe quân Tề sĩ khí rất thịnh thì liền bãi binh. Nhương Thư dẫn quân thu hồi tất cả đất đai bị chiếm trả lại cho nước Tề.
Tào Tháo nổi tiếng yêu mến tài hoa nhưng không thể để Tào Thực kế vị. Vua Tề yêu Trang Giả nhưng không thể trái phép nước. Một học sinh ở phương nam học rất giỏi nhưng ngủ quên không làm bài thi, vậy thì không thể đỗ. Ai dù có tài đến mấy, có chỗ dựa vững chắc đến đâu cũng phải chịu trách nhiệm cho sai sót của mình.
Có ý kiến kêu gọi cần đặc cách cho học sinh giỏi chẳng may ngủ quên thì cũng giống như xin Tào Tháo cho Tào Thực cầm quân vậy. Tào Tháo hoàn toàn có thể đặc cách cho con trai. Em học sinh kia cũng có thể được xét đặc cách không phải thi lại. Nhưng sự bao dung đó sẽ không có lợi cho kỷ cương. Thi lại là trì hoãn thành công 1 năm của 1 bạn trẻ. Đặc cách là dung dưỡng, nuôi trồng thất bại cho cả giới trẻ.
Bao dung đúng mực khác với dung dưỡng cho cái sai. Trẻ em ở một số nước được rèn thói tự lập, tự chịu trách nhiệm từ bé. Ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó. Trẻ bên ta chơi trên sân, nếu tự ngã, ông bà cha mẹ nựng bé là tại cái sân làm bé ngã, nên lấy roi đánh đòn cái sân. Những đứa trẻ không bao giờ tự nhận sai, sẽ không dám chịu trách nhiệm, lớn lên hoặc tranh công đổ tội, hoặc ích kỷ hại nhân.
Trường THPT Tô Hiến Thành từ chối cho học sinh đi muộn vào khai giảng.
Hàng chục học sinh trường THPT Tô Hiến Thành đi muộn, nhà trường không cho vào dự khai giảng. Việc đúng quy chế như thế, hợp lý như thế mà lại bị chỉ trích là “cứng nhắc”, là “thiếu bao dung”. Thật là khó hiểu! Trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức, kỹ năng, mà còn là nơi trau dồi kỷ cương, lối sống trước khi một học sinh trở thành một công dân có trách nhiệm với gia đình, xã hội.
Trường THPT Tô Hiến Thành cương quyết không dung dưỡng các học sinh đi muộn ngay trong ngày trọng đại nhất của năm học- ngày khai trường. Đó là vì kỷ cương, vì tình thương đối với học sinh và cũng là trách nhiệm đối với gia đình các em, và lớn hơn là trách nhiệm với xã hội.
Từ chuyện ở trường THPT Tô Hiến Thành, có người sẽ hỏi Tô Hiến Thành là ai? Vì sao tên ông được đặt cho nhiều phố phường, trường học trong cả nước? Kể lại câu chuyện sau, tưởng không chỉ vì người xưa mà biết ơn, mà còn vì người nay mà nhắc nhở.
Tô Hiến Thành là quan đại thần phụng sự hai triều vua Lý, văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực. Năm 1175, khi vua Lý Anh Tông băng hà, Hoàng tử trưởng là Lý Long Xưởng hư hỏng, vua có di chiếu lập hoàng tử nhỏ là Lý Long Cán lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông), giao cho Tô Hiến Thành làm phụ chính.
Hoàng hậu đem mâm vàng đến hối lộ ông, mong ông đổi di chiếu đưa Long Xưởng lên ngôi, nhưng ông kiên quyết từ chối, chỉ làm theo sự ủy thác của Tiên đế.
Năm 1179 Tô Hiến Thành ốm nặng. Vũ Tán Đường thường ngày thuốc thang hầu hạ bên ông, còn Trần Trung Tá là người có tài đức nhưng quanh năm bận việc quân, không có thời gian gần gũi.
Đại Việt sử lược ghi rằng khi bệnh của Tô Hiến Thành nguy kịch, bà Thái hậu tới thăm và hỏi: “Nếu có việc chẳng may xảy ra thì ai là người có thể thay ông?” Tô Hiến Thành đáp: “Người mà thần biết, chỉ có Trần Trung Tá thôi”. Thái hậu nói: “Người luôn lo hầu hạ thuốc thang là Vũ Tán Đường mà ông lại nói không biết là sao?” Tô Hiến Thành trả lời: “Thái hậu hỏi thần rằng ai có thể thay thế thần (để lo việc nước) nên thần mới đáp là Trần Trung Tá, còn như hỏi rằng ai là người hầu hạ phụng dưỡng thần thì ngoài Vũ Tán Đường, còn ai nữa!”
Huyền Dư