Máy dệt tự động Jacquard của Pháp (ảnh tư liệu).
Nước Pháp năm 1802, Joseph Marie Jacquard chế tạo được chiếc máy dệt đầu tiên. Máy chưa hoàn thiện mà nhà ông đã khánh kiệt gia tài. Vợ ông đã phải bán cả đồ nữ trang, bản thân ông thì phải làm thợ đốt lò để sinh sống và nghiên cứu. 3 năm sau, hoàn thiện cỗ máy dệt tự động, Jacquard đã cố vay mượn để lập một xưởng dệt.
Không ngờ, các thợ dệt ở Lyon sợ máy dệt sẽ cướp hết công việc thủ công của họ nên công nhân đã hợp lực phá tan tành cỗ máy. Người phát minh máy dệt là Jacquard bị quăng xuống sông Rhone, may mà thoát chết.
Thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản, ở Đức đã phát minh ra chiếc máy dệt được 4 đến 6 diềm hoa. Công nhân đã đồng loạt phản đối vì sợ máy làm cho người thất nghiệp, dẫn đến bạo động lan tràn. Hội đồng thành phố buộc phải cho người giết chết nhà phát minh. Ngày 19-2-1685, để ổn định xã hội, Đức hoàng ra sắc lệnh cấm sử dụng loại máy dệt diềm hoa trên toàn lãnh thổ. Ở Hamburg, chính quyền ra lệnh đốt máy dệt trước dân chúng.
Đầu thập kỷ 40 của thế kỷ 17, một người Hà Lan mở xưởng cưa gỗ bằng sức gió gần London, bị dân chúng phá huỷ. Năm 1758, Everet chế tạo thành công máy cắt lông cừu thuỷ lực, sau đó đã bị thiêu huỷ bởi 10 vạn người thất nghiệp do loại máy đó gây ra.
Nhận thức của thợ thuyền ở thế kỷ 21 bây giờ đương nhiên không giống như thế kỷ 17, nhưng nguy cơ con người bị cạnh tranh bởi máy móc thì vẫn hiện hữu. Thậm chí càng nghiêm trọng hơn bởi sự xuất hiện của trí tuệ thông minh AI (Artificial Intelligence).
Người máy đánh đàn trong bảo tàng công nghệ Nhật Bản (ảnh dhq chụp).
Theo thông tin từ trường Đại học Fulbright, trí tuệ thông minh AI giống như trí tuệ con người ở chỗ nó không ngừng tiến hóa thông qua những thuật toán được cải tiến để xử lý dữ liệu. Chính khả năng xử lý và học hỏi từ những khối dữ liệu lớn đã giúp cho máy móc có thể vượt trội so với con người trong nhiều công việc.
Năm 1997, máy tính chơi cờ của IBM đã đánh bại Garry Kasparov, cựu vô địch cờ vua thế giới. Năm 2017 thế giới lại chứng kiến sự trỗi dậy ngoạn mục của trí tuệ máy móc. Chỉ mất 4 tiếng học chơi cờ từ đầu, nhưng máy AlphaZero của Google đã đánh bại Stockfish 8, máy tính chơi cờ giỏi nhất thế giới lúc đó. Một vài nước cờ và chiến lược chơi cờ của nó thậm chí con người còn chưa thể tưởng tượng ra. Sự kiện gây chấn động này như một lời cảnh tỉnh rằng, con người không còn là giống loài thông minh nhất trên hành tinh.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học hàng đầu về trí tuệ thông minh AI đang làm việc tại Google thì chỉ trong vòng 5 đến 10 năm tới, AI sẽ có những bước tiến vượt bậc và thậm chí lấn sân sang những địa hạt lâu nay có vai trò truyền thống của con người như y tế, giáo dục, giao thông vận tải... Lái xe sẽ thất nghiệp vì xuất hiện những chiếc xe không người lái.
Như thế trí tuệ nhân tạo có đáng sợ ? Liệu robot sẽ thay thế nguồn nhân lực ? Tiến sĩ Christopher Nguyễn, Chủ tịch và CEO của Công ty Arimo cho rằng, chúng ta đang tiến đến kỷ nguyên mà nhân loại có thể kết hợp cả trí tuệ con người và trí tuệ máy móc.
Thay vì tìm cách giới hạn tiềm năng tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo, chúng ta có thể học cách hợp tác với nó; cũng giống như thay vì để công nhân đập phá máy móc trong thế kỷ 17, 18, giới chủ nên tìm cách chia sẻ hài hòa với thợ thuyền những lợi ích to lớn mà máy móc đem lại.
Trở lại phát minh máy dệt Jacquard ở Pháp đầu những năm 1800, may mà câu chuyện đã kết thúc có hậu. Máy dệt tự động được Hoàng đế Napoleon công nhận, nhà phát minh Jacquard được tặng huân chương.
Jacquard còn được tặng một khoản lương hưu. Nhà nước cho phép ông thu lợi từ phát minh của mình. Ngoài ra ông còn nhận được tiền bản quyền trên mỗi máy dệt được bán. Để tưởng nhớ đến công lao của Jacquard, người Pháp đã đặt tên máy dệt đó là máy dệt Jacquard.
Nền văn minh hôm nay được âm thầm xây đắp bằng những phát minh sáng chế như máy dệt của Jacquard, máy xén lông cừu của Everet... Đương nhiên, để có được phát minh sáng chế hữu dụng cho đời, thế gian này cần có những nhà lãnh đạo anh minh và mến tài như Hoàng đế Pháp Napoleon.
Dư Hồng Quảng