BÀI THƠ NÓN LÁ
“Thật là một màn trình diễn tuyệt vời”- đó là lời nhắn của Đại sứ Indonesia Denny Abdi gửi cho tôi sau khi xem màn trình diễn múa nón của học sinh tiểu học trong Khai mạc Liên hoan ẩm thực quốc tế International Food Festival 2022. Đây cũng là cảm nhận chung của các đại sứ, nhân viên ngoại giao và bạn bè quốc tế khi tham dự sự kiện văn hóa độc đáo này tại Hà Nội.
Lại nhớ ba năm trước, trong chuyến đi Hungary, giữa thủ đô Budapest tráng lệ, tôi thực sự bất ngờ khi gặp cái tên thân thương “Quán Nón” tại địa chỉ số 1051 Budapest, Erzsébet ter 1. Hai chữ “Quán Nón” viết to, bên dưới là các dòng chữ nhỏ hơn bằng tiếng Hung và tiếng Anh “Vietnamese Cuisine”, “Vietnamese Restaurant”.
Trong Quán Nón, bàn ăn không bày dao, dĩa mà là ống tre đũa gỗ. Thực đơn thuần Việt gồm phở bò, cơm tấm, nem cuốn, bún chả... Đặc biệt trên trần nhà treo tới 50 chiếc nón lá.
Phan Anh Sơn định cư ở Budapest đã nhiều năm, người đã dịch rất thành công nhiều bài thơ tiếng Hung sang tiếng Việt. Anh bảo rằng dù cái tên “Quán Nón” không dễ đọc, nhưng bạn bè các nước nhiều người vẫn thích gọi nhà hàng này là “Quán Nón” chứ không gọi theo tên quốc tế là “Vietnamese Cuisine” hay “Vietnamese Restaurant”.
Nón lá từ lâu đời đã là vật dụng thân thiết với người Việt khắp ba miền. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (cơ quan của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ngày 8/2/2021 cho biết, qua miêu tả trong “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi, thì từ năm 1.178, hình ảnh nón lá đã có ở Hưng Yên, Hải Phòng thuộc miền Bắc.
Trong cuốn “Gia Định thành thông chí”, khi ghi chép về sản vật, phong tục vùng Gia Định, Trịnh Hoài Đức cho biết, vào năm Mậu Ngọ (1738), người Việt ở vùng đất Nam Bộ này vẫn theo tập tục người Giao Chỉ ở Bắc Bộ, con gái mặc váy, đội nón lá.
Trong sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của Nội các triều Nguyễn, có ghi cách đây tròn 200 năm, vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua xuống chỉ hằng năm, cứ đến mùa xuân, triều đình chọn mua 50 chiếc nón trắng của Bình Định. Đến đầu thế kỷ XX, nón lá Bình Định còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Nói về xuất khẩu nón lá khiến tôi nhớ chuyện mười mấy năm trước “Cô gái Singapore ở làng nón Việt Nam”. Đó là Wendy Wee, tình nguyện viên của Quỹ phát triển quốc tế Singapore, người được báo Straits Times của Singapore và các báo đài trong nước phỏng vấn tại xóm Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Tôi là một người phỏng vấn Wendy Wee hôm đó. Chị cho biết, du khách đến Việt Nam nhiều người thích mua nón lá làm quà lưu niệm. Xóm Rền với nghề làm nón lá truyền thống, nếu cải tiến một chút mẫu mã sẽ thu hút thêm sức mua từ khách nước ngoài. Từ ý nghĩ đó, Wendy Wee đã nhiệt tình hướng dẫn bà con cách làm sản phẩm mới, độc đáo, vừa giữ gìn được bản sắc truyền thống lại phù hợp với thị hiếu du khách quốc tế để xuất khẩu.
Mong góp một phần nhỏ bé cho làng nghề hồi sinh, đó là tâm nguyện của các tình nguyện viên như Wendy Wee và Yoshinori Doi. Từ Nhật Bản sang làng nón Gia Thanh, công việc của Yoshinori là giúp người làng cách kiểm tra chất lượng sản phẩm. Để sản phẩm có sức mua rộng rãi trên thị trường các nước, theo Yoshinori, cần nghiêm ngặt hơn nữa trong khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đó là để giữ uy tín của làng nghề, là giữ thương hiệu của sản phẩm nón lá truyền thống Việt Nam.
Tôi chưa được đi nhiều, nhưng qua phim ảnh, sách báo cũng không thấy người các nước đội nón lá giống như của người Việt. Có lẽ chính vì nét riêng biệt này của nón lá Việt Nam, nên trong buổi sơ khai của chữ quốc ngữ, nhóm học giả Trần Trọng Kim đã đưa bài thơ cổ về cái nón vào Quốc văn giáo khoa thư - bộ sách giáo khoa đầu tiên của Việt Nam - để dạy học trò cấp Sơ đẳng (tương đương với Tiểu học ngày nay). Bài thơ ấy như sau:
“Dáng tròn vành vạnh vốn không hư/ Che chở bao la khắp bốn bờ/ Khi để tưởng nên dù với tán/ Nên ra thì nhạt nắng cùng mưa/ Che đầu bao quản lòng tư túi/ Giúp chúa nào quên nghĩa sớm trưa/ Vòi vọi ngồi trên ngôi thượng đỉnh/ Ai ai lớn nhỏ đội ơn nhờ”.
Ngày nay ít người biết có bài thơ trên về cái nón Việt. Nhưng hình ảnh nón lá cùng với áo dài thì đã quá quen thuộc trong và ngoài nước. Thấy nón lá, áo dài là thấy nét duyên Việt Nam. Tết Việt khi được tổ chức trên thế giới, gần như không thể thiếu màn trình diễn nón lá, áo dài của phụ nữ Việt Nam.
Sau hai năm bị ngăn trở bởi Covid-19, giờ đây, các cửa khẩu cuối cùng trên thế giới đã mở cửa chào đón du khách. Một hôm nào đó trên chặng bay từ Việt Nam, bạn sẽ gặp du khách các nước tươi cười, trên đầu họ đội chiếc nón lá. Tôi tin rằng, mang lên máy bay một chiếc nón lá, bạn bè đang đưa Việt Nam ra thế giới.
dhq