XANH, ĐỎ, ĐEN, VÀNG
Tại một vườn hoa giữa thủ đô Jakarta có dựng 5 chữ cái lớn R-A-G-A-M. Tôi hỏi người dân và được biết, trong tiếng Indonesia, RAGAM nghĩa là đa dạng. Đa dạng văn hóa là sức mạnh của Indonesia.
Với trên 17.500 hòn đảo, Indonesia được mệnh danh là "xứ sở vạn đảo". Đảo Bali khác biệt với phần còn lại của toàn bộ đất nước Indonesia và người dân Bali luôn tự hào về bản sắc độc đáo của riêng mình.
Nếu Indonesia là "xứ sở vạn đảo" thì Bali là “xứ sở vạn ngôi đền”. Chỉ với diện tích trên 5.000 km vuông, nhưng đảo Bali có đến hơn 20.000 ngôi đền lớn nhỏ. Mỗi làng có ba đền thờ lớn, mỗi nhà đều có đền thờ nhỏ, đến thửa ruộng cũng có miếu thờ.
Bước vào mỗi ngôi đền, du khách gặp những cánh cổng chia đôi, gọi là Candi Bentar gồm hai nửa đồng dạng, đối xứng. Trong quan niệm của người Bali, mọi sự vật trong thế giới đều có hai mặt như ánh sáng và bóng đêm, thiện và ác, sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn... Tồn tại là do cân bằng 2 mặt đối xứng. Cổng Candi Bentar là cầu nối giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh, giữa hiện tại và quá khứ.
Đền đài ở Bali được chạm khắc tinh xảo, chủ yếu từ nguyên liệu là đá san hô đen. Miếu thờ trước mỗi nhà cũng chủ yếu là màu đen. Đó là nét riêng, là niềm tự hào của người Bali từ hàng ngàn năm qua.
Là điểm đến của du lịch thế giới, nhưng văn hóa ngoại lai hầu như không tác động nhiều đến cách sống của người Bali. Dù có hàng loạt quán bar, vũ trường hiện đại, các trung tâm mua sắm tấp nập du khách nước ngoài, nhưng người Bali vẫn sống an yên, trung thành với lối ăn mặc, sinh hoạt từ ngàn xưa.
Nếu cổng Candi Bentar là đặc sắc ở “thiên đường du lịch" Bali thì cổng chào Torii cũng là biểu tượng độc đáo ở “đất nước mặt trời mọc" Nhật Bản. Cổng Torii màu đỏ, thường thấy ở lối vào các đền thờ Shinto - Thần Đạo. Đây được xem là nơi chuyển tiếp giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh của người Nhật. Đi dưới cổng Torii chính là đang đi trên con đường viếng thăm thần linh.
Ở các nước hiện đại và giàu có như Nhật Bản, Canada, việc duy trì bản sắc truyền thống vẫn luôn được coi trọng. Vào ngày 17 tháng 3 hàng năm, ở Canada tổ chức Ngày Thánh Patrick để tưởng nhớ người đã truyền đạo Kito đến đảo Ailen, rồi cộng đồng người Ailen nhập cư đã mang nét văn hóa độc đáo này sang Canada.
Mùa đông Canada rất dài. Ngày 17 tháng 3 là một cột mốc đánh dấu những ngày lạnh giá đã qua, mùa xuân ấm áp đang tới. Vì vậy, người dân trong ngày lễ này trang trí nhà cửa, đường phố bằng màu xanh, sử dụng trang phục màu xanh lá cây, và hóa trang, vẽ mặt hình cỏ ba lá. Cỏ ba lá màu xanh tượng trưng cho mùa xuân, đem đến may mắn, tình yêu và hạnh phúc cho mọi người.
Việt Nam có những điểm đến được bạn bè quốc tế nhớ với biển xanh, núi thắm. Nhưng Hội An thì lại khác. Còn giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa..., chính điều đó đã tạo nên một Hội An rất khác biệt. Nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An có điểm chung là tường sơn màu vàng nâu cổ kính. Khu nhà chính và nhà phụ sẽ không sử dụng chung một mái mà được tách ra, tạo thành không gian buôn bán, sinh hoạt và thờ cúng riêng.
Xanh biếc phố phường với ngày hội cỏ ba lá ở Canada; đỏ sẫm cổng vào miếu thờ thần đạo ở Nhật Bản; xám đen những đền đài, miếu mạo trên đảo Bali và vàng nâu những nếp nhà phố cổ Hội An.
Xanh-đỏ-đen-vàng, sự phong phú màu sắc kiến trúc góp phần làm nên sự đa dạng văn hóa.
Người Canada coi sự đa dạng là sức mạnh của đất nước (Diversity is Canada’s strength), người Indonesia dựng chữ R-A-G-A-M (đa dạng) ngay giữa thủ đô Jakarta. Tôi chưa hiểu hết sức mạnh của đa dạng trong những thông điệp trên, nhưng biết chắc rằng, đa dạng văn hóa sẽ thúc đẩy du lịch phát triển.
Huyền Dư