Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng – Người tiên phong trong giao lưu hội nhập quốc tế
Đỗ Ngọc Dũng - một họa sĩ sống xa các trung tâm mỹ thuật lớn nhưng vượt thoát được tầm “tỉnh lẻ” để hội nhập mỹ thuật đương đại cả nước và khu vực châu Á. Hiện anh có tranh lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, bộ sưu tập của các nhà sưu tập trong và ngoài nước…
Cách đây tròn chục năm, khi họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng lần thứ ba tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội và Hải Phòng, nhiều lãnh đạo Trung ương cùng nhiều tên tuổi văn nghệ sĩ ở Thủ đô và các tỉnh đến dự khai mạc, xem tranh và chúc mừng tác giả. Độ ấy, bạn bè biết đến Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ không chỉ bởi sử quảng giao, mà còn “nể” Đỗ Ngọc Dũng bởi anh là Chủ tịch Hội năng động có uy tín được giới VHNT cả nước biết đến, đặc biệt hơn anh là một họa sĩ sống xa các trung tâm mỹ thuật lớn nhưng vượt thoát được tầm mức “tỉnh lẻ” để hội nhập mỹ thuật đương đại cả nước và khu vực châu Á. Anh đã có tác phẩm tham gia một số triển lãm quốc tế ngay từ những năm 1984 -1985 của thế kỷ trước, hiện có tranh lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, bộ sưu tập của các nhà sưu tập trong và ngoài nước…
|
Chân dung Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng
|
Không có sự trì trệ, buồn tẻ, tranh Đỗ Dũng luôn cập nhật, giữ lửa sáng tạo bằng trái tim nghệ sĩ, khi mà tưởng như cương vị quản lý, nhịp điệu công chức choán hết thời gian làm nghệ thuật! Xem triển lãm lầm ấy, Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam ghi sổ lưu niệm: “Gánh vác trọn vẹn cả việc chung và việc riêng, một phòng tranh chững chạc, đẹp là món quà không gì sánh được của Họa sĩ Phú Thọ - Đỗ Ngọc Dũng – với giới mỹ thuật Việt Nam và công chúng Thủ đô”.
Không phải là dân làm mỹ thuật chuyên nghiệp, nhà thơ Vi Thùy Linh cũng có cảm nhận và góc nhìn tinh tế về Đỗ Ngọc Dũng: “Sức lao động đáng nể, độ đa dạng bút pháp và đề tài ùa ra trên màu, hình căng tràn sức sống”. Hoà nhập với dòng chảy mỹ thuật đương đại, Đỗ Ngọc Dũng không có khoảng cách với các đồng nghiệp Thủ đô, cả ở việc bị... sao chép tranh, bởi tranh của anh bán được. Bà bầm Trung du lưng còng, tay cầm nón mê một mình lụi cụi chiều Đông, chống gậy, chân đất, ngón cái tõe bàn chân Giao Chỉ bên cạnh là những chiếc lá vàng khô, lon vỏ bia bóp méo, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ dưới vành khăn cũ trong “Một dáng chiều” anh vẽ từ 1999. Đây là bức bị chép nhiều nhất. Nhiều tác phẩm khác cũng bị chép trộm, rồi "tác giả" mang trưng bày ở một số nơi cứ như “hàng thật” của mình! Những bối cảnh, con người Trung du được vẽ từ tình yêu của người con đất Tổ cả đời nguyện gắn bó với quê hương làm cho tác phẩm có được đời sống riêng của nó, gắn với đất Tổ như “Nét xưa”, “Âm vang cuội nguồn”, “Nhịp trống đồng”, “Đền Thượng”…
|
Tác phẩm Trên công trường – Sơn dầu (180x150) |
Vững hình họa, tả thực cổ điển là thế mạnh của Đỗ Ngọc Dũng, nhưng khi vẽ trừu tượng, anh vẫn làm người xem khó tính bị thu hút. Nhà phê bình Lê Quốc Bảo nhận xét: “Tranh sơn dầu của Đỗ Ngọc Dũng phong phú về bút pháp, và thường đi theo chiều hướng từ ngoài vào trong, từ tạo hình đến trang trí và hiện thực tâm trạng từ trong ra ngoài. Từ trang trí đến cách tạo hình đã thực sự bổ sung cho nhau, định hình một phong cách nghệ tuật giàu những phẩm chất: Tả thực, ẩn dụ, trừu tượng, biểu hiện, siêu thực và trang trí”. Họa sĩ tài danh Lê Trí Dũng khi thăm phòng tranh của Đỗ Ngọc Dũng cũng từng viết bài đánh giá cao năng lực sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của anh.
Cùng với vẽ là điêu khắc, anh có đến 02 Tác phẩm điêu khắc đá trọng lượng 12 tấn "Chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung" hiện đang bày tại công viên bên hồ Khuôn Muồi – Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng và công viên Văn Lang thành phố Việt Trì là bằng chứng về sự đa tài của một họa sĩ hàng đầu của tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Từ một cậu bé nghèo khó xã Chân Mộng, Đoan Hùng, ham học hỏi, rèn luyện rồi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu về công tác ngành văn hóa tỉnh, rồi trở thành một họa sĩ có uy tín, Đỗ Ngọc Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội VHNT tỉnh với gần ba nhiệm kỳ. Năm 2013, khi Đỗ Ngọc Dũng được tỉnh điều động làm Giám đốc Sở Ngoại vụ vừa thành lập, nhiều người đồ rằng, công việc mới vốn “xa lạ” với mỹ thuật sẽ khiến tay họa sĩ này sẽ phải “gác cọ”? Nhưng ở cương vị này, anh cùng các cộng sự đã làm được khá nhiều công việc phục vụ cho mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút đầu tư, viện trợ nước ngoài vào tỉnh. Trách nhiệm với công việc mới nhưng đam mê sáng tạo nghệ thuật vẫn không hề giảm sút trong dòng máu nghệ sĩ ở anh.
|
Tác phẩm điêu khắc đá "Chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung" hiện đang bày tại công viên bên hồ Khuôn Muồi – Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng |
Khác với hình ảnh một Giám đốc sở lịch duyệt thường ngày từ phong cách đến trang phục, hết giờ làm ở công sở, Đỗ Ngọc Dũng lại về xưởng vẽ, say sưa cầm cọ. Khi mỏi mệt thì đi bộ. Nếu không nhìn vào cái vóc người nhỏ nhắn, chiều cao “khiêm tốn” thì ngay cả người quen cũng khó có thể nhận ra “ông giám đốc ngoại vụ” trong bộ quần áo rộng thùng thình, còn dính cả màu vẽ, mũ vải, khẩu trang kín mặt bách bộ trên đường phố. Bất chợt ai đó nhận ra, hoặc gọi tên, Đỗ Ngọc Dũng chậm bước, nhanh nhảu giơ đôi bàn tay có khi còn dính cả sơn dầu ra chào thật thân thiện.
Một lần, Họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến sau khi đưa đoàn họa sĩ Nhật Bản đến xem tranh Đỗ Ngọc Dũng tại nhà riêng, đã viết trong một bài báo: “Năng khiếu là tố chất bản năng quan trọng, nhưng không phải bất cứ năng khiếu nào cũng trở thành tài năng. Niềm say mê và quyết tâm sẽ chắp cánh cho sáng tạo để trải lòng cho nghệ thuật…Vì thế, tác phẩm của anh vẫn đều đều có mặt tại các triển lãm trong và ngoài nước”, nhận được nhiều giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Hùng Vương của UBND tỉnh Phú Thọ…
|
Nhiều bức tranh của Đỗ Ngọc Dũng in đậm dấu ấn đất Tổ. |
Năm 2014, sau nhiều năm anh thiết lập quan hệ triển lãm giao lưu hàng năm giữa các nghệ sỹ Phú Thọ và Seoul – Hàn Quốc, anh được Hội Mỹ thuật chọn là một trong mười họa sỹ Việt Nam sang triển lãm với các họa sỹ Hàn Quốc rất thành công. Đầu năm 2015, Đỗ Ngọc Dũng đã ra mắt phòng tranh “Gallery nghệ thuật” tại số nhà 156 Lê Quý Đôn, Gia Cẩm, Việt Trì; biến tư gia của mình trở thành một địa chỉ văn hóa - một gallery nghệ thuật với hàng trăm tác phẩm, thu hút du khách trong hành trình về thành phố lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam. Gallery đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, các chính khách, đại sứ, nhà ngoại giao đến thăm, thưởng thức tác phẩm. Với bút pháp vừa chân thực, vừa lãng mạn, vừa hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, các tác phẩm của Đỗ Ngọc Dũng đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Anh trở thành nghệ sĩ của Phú Thọ tiên phong trong hình thức tiếp cận và đưa nghệ thuật đến với bạn bè quốc tế, mở đường thúc đẩy giao lưu văn hóa, trao đổi tác phẩm với các nghệ sĩ quốc tế, đưa mỹ thuật Phú Thọ đến với một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây được coi là phương thức xã hội hóa trong sáng tạo, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay. Điều đáng nói nữa là, trong vai trò đứng đầu Hội Văn học nghệ thuật 13 năm, rồi đứng đầu ngành Ngoại vụ 7 năm, Đỗ Ngọc Dũng có đóng góp lớn vào thành công của hai trại điêu khắc quốc tế ở Đền Hùng và thành phố Việt Trì trên cương vị Phó Ban Chỉ đạo, trưởng ban điều hành trại, cùng bốn lần chủ trì giao lưu mỹ thuật giữa các họa sĩ Phú Thọ với giới hội họa Hàn Quốc. Năm 2017, anh vận động tài trợ được hơn một tỷ đồng, tổ chức trại điêu khắc quốc tế lần 3, để lại chín tác phẩm điêu khắc tặng thành phố Việt Trì đặt bên hồ công viên Văn Lang.
Công việc của một “sếp ngoại vụ” đã cho Đỗ Ngọc Dũng có cơ hội đi nhiều nơi, gặp nhiều người từng đặt chân đến gần 30 quốc gia trên thế giới. Năm 2020, khi tròn “lục thập hoa giáp”, Đỗ Ngọc Dũng được nghỉ hưu. Gọi là nghỉ hưu nhưng nói một cách chính xác là trả lại niềm đam mê cho một nghệ sỹ đích thực.
Có lẽ dấu mốc dễ nhận thấy thời kỳ “hưu trí” của Đỗ Ngọc Dũng là sự phân thân. Vẫn mệt mài với mỹ thuật, nhưng anh cũng say đắm văn chương. Có lẽ nhiều bạn đọc cũng không quá bất ngờ khi liên tiếp trong 14 tháng (từ tháng 7-2020 đến tháng 9-2021), Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt 2 tập văn xuôi. Bởi vì, khi đương nhiệm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT và Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, anh cũng đã có khá nhiều các bài báo, ghi chép được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương. Nhưng với những bài báo, bài nghiên cứu, bút ký đăng lẻ tẻ thì người đọc chỉ mới biết đến một họa sĩ thuộc hàng TOP TEN có khả năng viết văn xuôi! Chỉ đến khi “trình làng” hai tập bút ký, ghi chép dày cộp, với tổng số 938 trang in khổ 16x24 cm (trong đó có 100 trang bạn bè viết về tác giả, tác phẩm) thì mọi người đủ thấy năng lực sáng tạo nghệ thuật của Đỗ Ngọc Dũng dồi dào đến nhường nào…
|
Nét xưa - Sơn dầu (150x150) |
“Những mảnh ghép kỷ niệm” tập hợp 41 bài viết về VHNT - lĩnh vực tác giả từng 13 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT và 13 bài viết về lĩnh vực đối ngoại - lĩnh vực anh có gần 7 năm làm Giám đốc Sở Ngoại vụ, kiêm Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Thọ. Tôi đồng ý với nhận xét của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn trong “Đôi lời vào sách”, rằng: Đỗ Ngọc Dũng là người chịu khó quan sát, đi đâu, với ai, khi nào đều được ghi chép và kể khá tỷ mỷ trong tập sách. Một họa sĩ có tài, có uy tín nghề nghiệp, trong cương vị Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, Đỗ Ngọc Dũng có điều kiện đi đây đi đó, tiếp xúc và quen biết nhiều quan chức, tên tuổi lớn trong giới nghệ sĩ cả nước; có điều kiện mở rộng tầm mắt, nhìn nhận lịch sử và đời sống văn hóa, văn nghệ ở tầm vĩ mô, vượt khỏi “lũy tre làng”.
Vậy nên, đọc “Phú Thọ - Cái nôi văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp”, hay “Bác Hồ với Phú Thọ, văn nghệ sĩ Phú Thọ với Bác Hồ”…, người đọc có thể hiểu thêm lịch sử văn học Việt Nam trong giai đoạn đầu cuộc trường chinh 9 năm kháng Pháp với những sự kiện, nhân vật, địa danh như Đoàn văn hóa kháng chiến ở làng Xuân Áng, Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở Gia Điền – Hạ Hòa, Đại hội Văn hóa toàn quốc ở Đào Giã - Thanh Ba, Đại hội Văn nghệ Việt Nam ở Yên Kỳ - Hạ Hòa… cùng tên tuổi lớn như nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Đặng Thai Mai, nhà lý luận phê bình Hoài Thanh, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát… Phú Thọ là nơi nhiều lần được Bác về thăm và làm việc.
Hơn ba chục năm sống trong ngôi nhà văn hóa, văn nghệ Phú Thọ với hơn nửa thời gian làm công tác quản lý lãnh đạo, Đỗ Ngọc Dũng là người trong cuộc, hiểu nội tình, hiểu tâm tư nghệ sĩ. Khi cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động, anh chị em văn nghệ sĩ hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh sôi nổi hưởng ứng. Ngoài các bài viết về lĩnh vực VHNT, bản sắc văn hóa và “Tâm, Đức” của văn nghệ sĩ, nhà báo, về sự phát triển của Tạp chí Văn nghệ đất Tổ…, Đỗ Ngọc Dũng còn có các bài nghiên cứu, phân tích khá sâu về hoạt động và quản lý VHNT, về hội nhập và giao lưu quốc tế của chuyên ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh… về sự nghiệp sáng tác của các “đại thụ” nền VNNT nước nhà như nhà thơ Huy Cận, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhà thơ Phạm Tiến Duật…Ngòi bút của anh cũng “phác thảo” thành công nhiều chân dung văn nghệ sĩ trong tỉnh...
|
Mỗi tập sách là những khám phá của Đỗ Ngọc Dũng với những nơi từng ngang qua |
Ở tập “Ngang qua những miền đất” ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh năm 2021 với 44 bài viết trong tập văn xuôi thứ hai này, Đỗ Ngọc Dũng có những trang viết giàu chất văn học khi miêu tả cảnh vật, bày tỏ cảm xúc của mình khi “ngang qua” các vùng trên đất Mỹ hay nước Anh - xứ sở sương mù, hoặc đến một số nước Đông Âu, Bắc Âu, Trung Phi… Mỗi một miền đất, mỗi một thành phố hay chỉ là mỗi công trình văn hóa, kiến trúc như Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Thái Lan, Vạn Lý Trường Thành, Tượng Nữ thần Tự do… đối với ông đều là sự khám phá, tìm hiểu và luôn được đặt trong những mối liên hệ với Việt Nam, với Phú Thọ.
Trong “Đôi lời về cuốn sách”, PGS, TS. Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận và phê bình VHNT Trung ương, có một nhận xét mang tính khái quát: “Đỗ Ngọc Dũng không chỉ làm nên một gia tài đồ sộ về mỹ thuật của riêng minh, mà anh còn kết nối, nhân rộng mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ, hoạt động đối ngoại tỉnh nhà với các cơ quan hữu quan Trung ương, đặt nền móng cho các cuộc kết nghĩa, giao lưu, học hỏi của các tỉnh, thành phố; đặc biệt với bạn bè quốc tế ở nhiều nước đem lại những kết quả tích cực. Có thể gọi anh là một nhà họa sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà ngoại giao, xứng đáng là một trong những đại sứ văn hóa của Việt Nam”.
Không chỉ nể phục tài năng sáng tạo, tôi còn trân trọng Đỗ Ngọc Dũng về năng lực quản lý, quản trị công việc cũng như tài ngoại giao, quảng giao. Công tác ở đâu anh cũng tạo được không khí rộn ràng sôi động, được mọi người quý mến.
|
Ký ức tuổi thơ - sơn dầu (100x80)
|
Vậy là ngoài sáng tác nghệ thuật với hai tập sách dày dặn, do chính tác giả trình bày bìa thật đẹp, Đỗ Ngọc Dũng đã có đóng góp xứng đáng với lĩnh vực văn xuôi và báo chí, làm phong phú thêm gia tài của mình. Với mỹ thuật có 4 triển lãm cá nhân, nhiều triển lãm chung trong và ngoài nước, 8 giải thưởng quốc gia và quốc tế cùng nhiều tác phẩm lưu giữ tại các bảo tàng lớn, đặc biệt là sự ghi nhận bằng tấm Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng. Hai năm nay nghỉ hưu lại không may mắc bệnh hiểm nghèo, phải trải qua cuộc phẫu thuật sinh tử, may trời lại cho anh sống, dù phải rất cố gắng thuốc thang để vui, để sáng tạo, anh lại vẽ lại viết nhiều hơn, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước, lại có những giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, gần đây nhất (tháng 8/2022) là giải thưởng lớn triển lãm quốc tế tại Hàn Quốc… đủ để khẳng định tài năng và thành tựu lao động sáng tạo của Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng! Cây cọ và ngòi bút của anh đã vẽ và viết nên bao cung bậc của cuộc sống, như tác giả thơ Ngô Kim Đỉnh từng nói: “Đỗ Ngọc Dũng đã sống một cuộc đời nhưng làm việc bằng hai, bằng ba cuộc đời”.
Xuân mới đang về, xin chúc “cây cọ”, “cây bút” trung du Đỗ Ngọc Dũng thêm sức khỏe để tiếp tục “Ngang qua những miền đất”; tiếp tục những sắc màu cuộc sống. Chúc anh giàu nội lực và xúc cảm để vẽ và viết, có thêm những tác phẩm để đời./.
Nguồn: (ĐCSVN)