BƯỚC QUA VẠCH KẺ VÀNG
Mỗi người có cảm nhận riêng khi đến Singapore. Tôi lại để ý đến những ô kẻ vàng. Một số nơi trên hè phố hoặc trung tâm thương mại, có chỗ kẻ hình vuông hoặc chữ nhật là vị trí dành riêng cho người hút thuốc. Nếu họ bước một chân ra khỏi vạch kẻ vàng, sẽ “dính thẻ vàng”, bị phạt đến 200 đôla (gần 5 triệu đồng).
Ô hút thuốc trên hè Trung tâm thương mại The Center Point Singapore
Nhìn ô kẻ vàng ở Singapore khiến tôi nhớ vòng lửa vàng trong phim Tây Du Ký. Tôn Ngộ Không vẽ vòng tròn để Đường Tăng đứng bên trong, bình an. Bước ra khỏi vòng tròn là rơi vào bàn tay ma quỷ. Singapore phần đông là người gốc Hoa. Không biết truyện Tây Du Ký có ảnh hưởng như nào đến đời sống văn hóa ở đảo quốc này, nhưng ô kẻ vàng cho người hút thuốc là một câu chuyện ấn tượng về pháp luật ở Singapore.
Theo Will Durant, tác giả cuốn sách Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nhà xuất bản Hồng Đức- 2022) thì Trung Hoa xưa vốn không phải là đất nước mạnh về luật pháp. Người Hoa trước hết thuộc về gia đình. Mỗi làng thực ra là một trang ấp, do một dòng họ tự quản. Phong tục bắt họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mọi người trong gia đình, dòng họ (cũng như ở Việt Nam nói “con dại cái mang”). Việc giữ gìn trật tự thì để cho gia tộc, để tục lệ lo, chứ không phải pháp luật. Người ta noi gương nhau, sống theo tục lệ truyền đời. Nếu có xung đột thì tìm cách hòa giải sao để giữ thể diện cho cả hai bên hơn là đưa nhau ra tòa (như người phương Tây).
Trong bối cảnh ấy của Trung Hoa thì Nho gia giữ vai trò quan trọng. May mà Nho gia không thể độc tôn. Pháp gia trái với Nho gia. Trường phái Pháp gia cho rằng trị nước mà chỉ trông vào tấm gương tốt của nhà cầm quyền, cũng như tin vào tính thiện bẩm sinh của dân, thì thật là dại dột. Phải dùng pháp trị, chứ không chỉ dùng nhân trị. Nói “nhân chi sơ tính bản thiện” nhưng vẫn phải dùng luật pháp bắt dân vào khuôn phép, cho tới khi thành một bản tính thứ hai. Khi đó tự nhiên dân theo đúng luật, không phải trừng trị nữa.
Nhiều người nói Singapore ngày nay sạch đẹp nhất thế giới vì người dân của họ có ý thức cao. Nhưng ngay từ đầu, họ không khác gì các nước châu Á. Ý thức có được là do luật pháp nghiêm minh. Hút thuốc lá ở nơi cấm, bị phạt lần đầu đến 1.000 đôla Sing (khoảng 17 triệu đồng); lần sau sẽ bị phạt đến 2.000 đôla Sing và còn phải lao động công ích để sửa sai, như đi quét đường, làm vệ sinh. Với mức phạt ấy, người dân không dám vi phạm. Dần dần, tuân thủ pháp luật trở thành bản tính tự nhiên.
Người Singapore có được tinh thần pháp luật như ngày nay, phải kể đến nỗ lực không mệt mỏi của vị Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu. Ông vốn là người gốc Hoa. Có lẽ ông chịu ảnh hưởng của phái Pháp gia. Ông nhận thấy mình là thế hệ sau của những người nông dân, muốn vươn lên, cần phải thay đổi. Trong cuốn Kỷ luật thép của Singapore (Nhà xuất bản Hồng Đức- 2018), Lý Quang Diệu kiên định niềm tin rằng Singapore cần được lãnh đạo bởi một chính quyền mạnh về luật pháp. Kinh tế có phát triển mới có thể giúp tự do được phát triển. Đây là “kỷ luật thép” để Singapore tồn tại và vượt lên.
Theo Lý Quang Diệu thì học sinh một số nước rất thông minh. Có thể nhìn thấy điểm này từ việc học sinh của họ giành được nhiều học bổng của Singapore. Tiền lương của họ chỉ bằng 1/3, giá đất chỉ bằng 1/4 của Singapore. Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư, Singapore phải cung cấp thứ mà Singapore có nhưng các nước khác thì không thể cung cấp được.
Trả lời phỏng vấn báo chí Singapore, ông Lý Quang Diệu nói: “Singapore phải cạnh tranh với các nước láng giềng có nhiều tài nguyên hơn, có nhiều nhân lực hơn, có không gian rộng lớn hơn. Chúng ta phải khác biệt với họ, nếu không, chúng ta sẽ chết. Làm thế nào mới có thể khác họ? Thể chế của họ chưa đủ liêm khiết, thể chế của chúng ta liêm khiết; pháp chế của họ chưa đủ hoàn thiện, chúng ta thì giữ vững pháp luật, khi đã ra quyết định thì phải kiên quyết quán triệt. Vì vậy, đối với nhà đầu tư, chúng ta có lời hứa danh dự và đáng tin cậy”.
Tác giả trước khách sạn Park Poyal Collection, Siangapore
Trở lại câu chuyện ô kẻ vàng cho người hút thuốc. Thông thường ở các nước, phòng hút thuốc là không gian kín, tách biệt. Tại sao Singapore lại đặt ra những khu vực hút thuốc nơi công cộng, giữa không gian mở, để mọi người trong nước, du khách nước ngoài cùng thấy? Có phải để hình ảnh trực quan giúp mọi người nâng cao nhận thức? Hay là để công khai cảnh tỉnh?
Dĩ nhiên, ô kẻ vàng không thể ngăn được khói thuốc bay ra môi trường xung quanh. Nhưng nó mang tính biểu tượng: Singapore là đất nước có kỷ cương, luật pháp. Có kỷ cương, luật pháp thì xã hội ổn định, cuộc sống an bình, con người được bảo vệ, tài sản được bảo đảm. Đó chính là nơi đáng sống.
dhq