"NGƯỜI GIÀU VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA"
Người phương Tây xưa thường nói "con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa". Trong truyện cổ tích Việt Nam, người giàu cũng luôn bị căm ghét. Điều đó có công bằng không ? Nhân ngày Doanh nhân VN, mời bạn xem lại bài trên chuyên san Hồ sơ sự kiện:
Ngày 1/3/1938 gần chợ Seomun, thành phố Daegu, Hàn Quốc, ông Lee Byung-chul đã thành lập Samsung thương hội. Từ chỗ buôn bán lặt vặt, dần dần ông Lee thu gom rau quả tươi và hải sản khô mang đến tận Mãn Châu để bán. Khi đã có chút vốn liếng, Samsung thương hội mua thêm máy xay bột và máy ép mì để mở mang sản xuất. Câu chuyện khởi nghiệp này luôn được kể với du khách khi đến Hàn Quốc tham quan Bảo tàng Samsung.
Theo cuốn sách Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc (Nxb Thế giới 2018), đến tháng 11/1948, ông Lee thành lập công ty Samsung C&T Corporation. Ý tưởng cho công nhân viên mua cổ phần của ông Lee bắt nguồn từ sự kiện bạo động ở Daegu. Ông cho rằng nguyên nhân của cuộc bạo động rút cuộc do người lao động “thiếu cái ăn”. Lúc đó ông đã nói “Tôi nghĩ chủ doanh nghiệp nếu kiếm được tiền thì phải chia cho công nhân viên”. Vì vậy, ban đầu ông Lee giữ 75% cổ phần trong công ty Samsung C&T Corporation, sau đó, ông tạo điều kiện để mọi nhân viên trong công ty nếu muốn đều có thể trở thành cổ đông. Lợi nhuận được chia tùy theo tỷ lệ cổ phần. Đây chính là chế độ khuyến khích nhân viên, gieo vào lòng họ ý thức của người làm chủ. Khi lợi nhuận được chia cho mình nhiều hơn, các nhân viên hăng hái hơn, càng vui vẻ làm việc giúp công ty phát triển hơn. Đến tháng 3/1950, chỉ hơn 1 năm sau thành lập, công ty Samsung C&T Corporation đã lãi đến 130 triệu won. Ngày nay, Samsung trở thành tập đoàn khổng lồ trên thế giới, xứng đáng với mong mỏi của ông Lee khi đặt tên Samsung (Sam, âm Hán Việt là Tam, nghĩa là lớn mạnh, hùng cường; Sung là Tinh, nghĩa là vì sao sáng lấp lánh muôn đời).
Nếu không biết hài hòa lợi ích chủ, thợ, chưa biết Samsung còn sáng lấp lánh đến ngày nay không ? Chúng ta đều biết nước Anh là cái nôi của cách mạng công nghiệp thế giới. Nhưng đầu thế kỷ XIX, cũng chính tại nơi này đã bùng nổ phong trào đập phá máy móc công nghiệp.
Nguyên nhân, máy móc cứ chạy liên tục nên công nhân cứ phải làm theo. Có khi họ phải làm việc 14 đến 16 tiếng một ngày. Cho rằng vì máy móc làm khổ mình nên công nhân đồng loạt đập phá máy móc. Phong trào từ Anh sau đó lan rộng sang cả Pháp, Đức. Về bản chất, đó là phản ứng của công nhân trước sự bóc lột của giai cấp tư sản. Do bóc lột thợ thuyền, giới chủ ngày càng giàu. Họ càng giàu thì mâu thuẫn trong xã hội ngày càng tăng. Tâm lý oán ghét người giàu lan tràn mọi ngõ ngách đời sống.
Người phương Tây xưa từng nói “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa”. Trong truyện cổ tích Việt Nam, người giàu cũng luôn bị căm ghét. Quần chúng luôn cho rằng giàu là tham lam ích kỷ, giàu là độc ác nham hiểm, giàu là mưu mô xảo quyệt. Theo nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, trong truyện cổ tích, tất cả người giàu đều xấu và ác. Truyện cổ tích trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân vì nó phê phán cái xấu, cái ác, bênh vực kẻ yếu thế, bênh vực người nghèo khổ. Trong thực tế, không phải cứ người nghèo là tốt, người giàu là xấu. Người giàu tốt bụng mới có điều kiện giúp đỡ người nghèo.
Người dám làm giàu, biết làm giàu cho mình cũng là tạo công ăn việc làm cho người khác, cho xã hội thịnh vượng. Quan niệm về bóc lột cũng đã thay đổi. Những người như Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook hay Bill Gates - người sáng lập Microsoft không giống những nhà tư sản thế kỷ XIX. Họ chẳng bóc lột ai ngoài bóc lột trí tuệ và nhiệt tâm của chính mình. “Được bóc lột” bởi Bill Gates là ước mơ của bao người trẻ trung và tài giỏi trên trái đất này. Với tổng tài sản 90 tỷ USD, Bill Gates đã dành trên 40 tỷ USD để làm từ thiện. Bill Gates và vợ đã thành lập quỹ Bill & Melinda Gates, quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới, để chăm sóc sức khỏe và giải quyết nghèo đói toàn cầu. Doanh nhân như thế ai mà không ngưỡng mộ ?
Nhận rõ tầm quan trọng của giới doanh nhân trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, 74 năm trước, khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, trong đó có đoạn: “…Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau…” (Báo Cứu quốc, số 66, ngày 13/10/1945).
Vì lợi nhà cũng là vì ích nước. Lời Bác Hồ càng ý nghĩa khi trên mặt trận xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở nước ta hiện nay, doanh nhân đang là lực lượng tiên phong. Doanh nhân Việt Nam, người lính thời bình. Thông điệp này xin gửi đến họ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay.
Huyền Dư