SÂN CỎ VÀ SÂN HỘI NHẬP
Trước tình trạng sân Mỹ Đình xuống cấp, nhiều ý kiến cho rằng nếu giao cho tư nhân quản lý, đầu tư, khai thác, bộ mặt sân vận động quốc gia sẽ được cải thiện ngay. Nhưng cũng còn các ý kiến không đồng tình. Xưa nay, có nhiều bài học về hai chữ công- tư trong lịch sử.
Ảnh minh họa
Trong cuốn “Lịch sử văn minh Trung Hoa” (Nhà xuất bản Hồng Đức- 2022), tác giả Will Durant cho rằng, sau khi thống nhất Trung Quốc, hoàng đế Tần Thủy Hoàng điển chế luật pháp, phát hành đồng tiền chung quốc gia, trao quyền tư hữu cho nông dân, cho họ được làm chủ ruộng đất mà họ khai phá. Nhờ vậy mà Trung Hoa sau này giàu mạnh lên.
Đến đời Hán Võ Đế (năm 140 đến năm 87 trước Công nguyên), để hạn chế tư nhân, triều đình nắm quyền điều hành kinh tế toàn diện, đạt nhiều kết quả. Nhưng sau này, giới kinh doanh phàn nàn rằng, triều đình can thiệp vào mọi công việc làm ăn, họ không còn sáng kiến gì cả, không còn ganh đua được nữa. Sau khi Hán Võ Đế chết, chính sách của ông bị chê bai hoặc bị mọi người đồng tình quên đi, kinh tế tư nhân lại trỗi dậy.
84 năm sau khi Hán Võ Đế mất, một người lên cầm quyền là Vương Mãng, ra lệnh quốc hữu hóa ngay ruộng đất, tất cả ruộng đất tư trở thành đất của vua (vương điền). Vương Mãng tận lực ngày đêm cho nước giàu, dân sướng nhưng ông đắng lòng khi phải thừa nhận dưới triều đại ông, xã hội còn loạn lạc hơn. Sau khi Vương Mãng bị giết, các chính sách công của ông cũng bị dẹp bỏ.
Xem nhà nước Do Thái giàu có hiện nay, ít ai ngờ rằng, năm 1984, tốc độ lạm phát của Israel lên tới 400%. Mỗi ngày nhân viên cửa hàng thực phẩm lại đi dọc quầy hàng để thay nhãn giá cho từng sản phẩm vì đồng shekel lao dốc. Đồng tiền mất giá nhanh tới mức đi taxi còn rẻ hơn đi xe buýt vì khi xuống xe, bạn mới phải trả tiền (còn đi xe buýt phải mua vé trước).
Nguyên nhân là do nhà nước Israel đóng vai trò chủ đạo trong hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế. Chính phủ tạo lập, đồng thời sở hữu các ngành công nghiệp. Chính phủ nắm toàn quyền điều tiết kinh tế và tiền tệ, dẫn tới vô hiệu hóa các lực lượng thị trường, người dân không còn sức sáng tạo.
Được bầu làm Thủ tướng trong giai đoạn kinh tế suy thoái trầm trọng này, Shimon Peres đã quyết liệt tiến hành cải cách theo phương thức quản lý dựa vào thị trường tư nhân, trả cho thị trường những việc của thị trường, giải phóng sức sản xuất trong xã hội. Nền kinh tế từ đó phục hồi và tăng trưởng. Những điều này được ghi trong cuốn “Không có chỗ cho những giấc mơ nhỏ”- Tự truyện của Cựu Tổng thống Israel Shimon Peres (Nhà xuất bản Trẻ- 2019).
Sang Nhật Bản ngày nay, chúng ta thấy hầu hết các dịch vụ công đều tư nhân hóa. Tàu điện ngầm Nhật Bản được coi là chuyên nghiệp vào hàng nhất thế giới là do tư nhân đảm nhiệm. Chỉ muộn mấy chục giây họ đã xin lỗi toàn quốc.
Thế kỷ XIX, khi nước Nhật canh tân thì ở Việt Nam còn bế quan tỏa cảng. Theo trang tin của Bảo tàng lịch sử quốc gia, Phạm Phú Thứ là người có tư tưởng canh tân. Năm 1856 khi giữ chức Án sát Thanh Hóa, ông đã khuyến nghị vua Tự Đức cho đóng tàu thuyền vận tải, phục vụ giao thương kinh tế. Năm 1857 ông tiếp tục dâng sớ lên triều đình đề đạt phương án sử dụng thuyền buôn tư nhân và thuê họ vận chuyển thóc gạo các tỉnh về bán ở kinh đô; dùng tàu thuyền nhà nước để chuyên chở quân lương, quân khí và nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ bờ biển.
Tuy nhiên, tất cả những tư tưởng cải cách tiến bộ trong giai đoạn này cùng chung một số phận là đều không được thực hiện đến nơi đến chốn, thậm chí còn không được đưa ra để bàn luận. Những đề nghị của Phạm Phú Thứ bị vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ bác bỏ. Đó là một điều hối tiếc to lớn trong lịch sử dân tộc.
Ảnh minh họa
Ngày nay, Việt Nam đang bước vào sân chơi hội nhập toàn cầu. Ta học hỏi nhiều điều từ các nước tân tiến về cách thức huy động, thúc đẩy mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó có tiềm năng của khối tư nhân. Nhiều mặt hàng trước đây là độc quyền của khu vực nhà nước thì nay tư nhân được tự do sản xuất và phân phối. Cả giáo dục và y tế cũng có nhiều khởi sắc vì phát huy được sức mạnh của khối tư nhân.
Đến đây chợt nghĩ, ta có bệnh viện tư nhân chăm lo sức khỏe cho người còn được, để tư nhân chăm sóc cỏ trên sân Mỹ Đình, lẽ nào lại không được? Cái gì dân có thể làm, tư nhân có thể làm và làm tốt thì nhà nước không cần làm nữa. Nhà nước vì vậy sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để làm những gì mà tư nhân không làm. Đó là con đường chung của các nước phát triển.
dhq