TRONG MẤY TRIỆU KIỀU BÀO CHẮC KHÔNG THIẾU NHỮNG NGƯỜI TÀI ĐỨC
Sinh thời, Bác Hồ luôn mong muốn đồng bào ta, ai có tài năng và sáng kiến, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà, thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho chính phủ mới.
Bác Hồ với đồng bào ta ở nước ngoài
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị Tìm người tài đức, trong đó nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những điều ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
75 năm trước, Tiến sỹ nông học Lương Định Của đang làm việc ở Nhật Bản. Nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông bàn với vợ (người Nhật) từ bỏ cuộc sống sung túc và từ chối các cơ hội vinh thân để tìm đường về nước. Là một nhà nông học, ông mong đem tâm sức và kiến thức của mình để giúp nông dân trong nước có đủ cơm ăn sau nạn đói năm Ất Dậu khiến 2 triệu người chết.
Đồng bào ta ở nước ngoài về Đền Hùng 2024
Để đạt được tâm nguyện của mình, vợ chồng ông Lương Định Của đã phải lặn lội từ Nhật Bản về Sài Gòn, sau đó mới tìm đường ra Bắc. Những đêm đông Hà Nội rét cắt da cắt thịt, vợ ông, người phụ nữ Nhật Bản, đã âm thầm đạp xe đến đài Tiếng Nói Việt Nam làm chương trình phát thanh tiếng Nhật. Ông bà đã chọn sống một cuộc đời cống hiến cho cách mạng, bất chấp khó khăn gian khổ.
Cũng giống như nhà trí thức Lương Định Của, năm 1946, khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã được Bác Hồ thuyết phục, mời về nước tham gia sự nghiệp cách mạng. Ông đã từ bỏ mức lương 20 lạng vàng ở “Kinh đô Ánh Sáng Paris”, chuyển về núi rừng âm u của chiến khu Việt Bắc để chế tạo vũ khí cho quân đội ta.
Sau này được hỏi lý do, nhà trí thức này đã trả lời giản dị rằng, bạn bè của ông ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn ông rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả.
Tinh thần phụng sự Tổ quốc thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt của những nhà trí thức như Lương Định Của, Trần Đại Nghĩa. Sau kháng chiến là hòa bình, thống nhất, giai đoạn lịch sử nào người Việt cũng yêu nước, cũng tìm mọi cách để vun đắp cho lòng tự tôn của dân tộc và ấm no cho người dân.
Một nguồn lực quan trọng về tài chính, khoa học công nghệ nằm trong đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, rất cần được khai thác để xây dựng đất nước.
Người xưa có câu “đốt đuốc giữa ban ngày để tìm hiền tài”. Nhớ lời Bác Hồ kính yêu, chợt nghĩ, trong mấy triệu đồng bào ta ở nước ngoài, chắc không thiếu người có tài đức. Cần cố gắng hết sức để đón họ trở về.
dhq