Đến củ gừng, củ sả mà cũng tăng giá gấp đôi, gấp ba thì đúng là...
"BÓC NGẮN CẮN DÀI"
Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng, giá kit xét nghiệm Covid-19 đua nhau “nhảy múa”, đó là những nét nổi bật không mong muốn trên thị trường Việt Nam thời gian qua.
Nói xăng phải nhập khẩu, kit phải mua nước ngoài thì đã đành. Nhưng đến củ gừng, củ sả “của nhà trồng được” mà cũng tăng giá gấp đôi, gấp ba thì tránh sao khỏi tiếng bắt chẹt, trục lợi đồng bào trong đại dịch.
Cách đây 136 năm, ở Mỹ, người sáng lập Johnson & Johnson đưa ra mục tiêu "giảm nhẹ nỗi đau và bệnh tật cho người dân”. Lý tưởng đó sau phát triển thành tư tưởng kinh doanh “phục vụ khách hàng được đặt trên lợi tức của cổ đông”. Tư tưởng kinh doanh của Johnson & Johnson được ghi rõ trong “Our Credo” (Tín điều của chúng tôi) và được công bố rộng rãi rằng:
“Trách nhiệm đầu tiên của chúng tôi là trách nhiệm đối với các bác sĩ, y tá, các bà mẹ và tất cả những ai sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Sản phẩm của chúng tôi phải luôn đạt chất lượng tốt nhất và giảm chi phí. Các nhà kinh doanh của công ty phải kiếm lời ở mức độ vừa phải”. Thực hiện lời tuyên ngôn xuyên thế kỷ này, Johnson & Johnson có nhiều sản phẩm được sử dụng trên toàn cầu cho đến ngày nay.
Chuyện ở Việt Nam, doanh nghiệp vụt sáng rồi tắt ngấm, quán xá ngon được dăm bữa nửa tháng rồi mất khách không phải là ít. Ngược lại, Nhật Bản là một quốc gia của kinh doanh lâu đời. Đất nước này có tới hơn 30.000 cơ sở kinh doanh với ít nhất 100 năm lịch sử, hơn 3.000 doanh nghiệp đã hoạt động trong ít nhất hai thế kỷ và khoảng 140 doanh nghiệp đã tồn tại trong 500 năm.
Để lý giải cho sự trường tồn trên đây, Thời báo New York Times đã tìm hiểu một gia đình khởi nghiệp cách đây 1000 năm. Nhà Naomi Hasegawa bán bánh mochi nướng trong một cửa hàng nhỏ bằng gỗ tuyết tùng bên cạnh một ngôi đền cổ ở Kyoto.
Để tồn tại trong một thiên niên kỷ, bà Hasegawa nói, một doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận. Đặt ổn định lên trên tăng trưởng, các thế hệ nối tiếp nhau duy trì nghề truyền thống. Họ dạy bảo nhau hướng đến mục tiêu cao hơn việc thuần túy kiếm tiền, đó là phục vụ thật chu đáo những người hành hương đến đất thiêng. Đó là vinh dự của một cửa hàng nhỏ nằm cạnh ngôi đền cổ.
Tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành là nhà đầu tư, nhà tư bản công nghiệp, đồng thời cũng là nhà từ thiện lớn. Ông được tạp chí Asiaweek bình chọn là người đàn ông quyền lực nhất châu Á năm 2001. Tạp chí chuyên xếp hạng tỷ phú uy tín nhất thế giới Forbes đã tôn vinh Lý Gia Thành với giải thưởng danh giá "Thành tựu trọn đời".
Có người từng hỏi Lý Trạch Giai- con trai tỷ phú Lý Gia Thành: "Bố anh đã dạy cho anh những bí quyết kiếm tiền thành công gì?" Trạch Giai đã trả lời rằng: "Thực ra bố tôi không dạy cho tôi bất cứ phương pháp kiếm tiền nào cả. Ông chỉ dạy tôi các đạo lý làm người mà thôi."
Mục đích của kinh doanh đương nhiên vì lợi nhuận. Lời lãi càng cao thì càng tốt. Nhưng phương châm của Lý Gia Thành là “7 phần hợp lý, 8 phần cũng được, vậy tôi chỉ lấy 6 phần”. Không chỉ nghĩ lợi cho riêng mình, thế mới là đạo lý làm người. Lý Gia Thành dạy con rằng thất tín chính là phá sản lớn nhất của đời người. Hãy nhớ lấy: sống trung thực, thành tín là tài phúc của kiếp này.
Ảnh minh họa
Trung thực, thành tín với khách hàng, đó chính là bí quyết cho sự trường tồn của doanh nghiệp. Cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” (Nhà xuất bản trẻ- 2019) kể chuyện năm 1907, Henry Ford đặt mục tiêu "dân chủ hóa xe hơi" ở nước Mỹ. Xe hơi vốn là phương tiện, là thể hiện đẳng cấp của người giàu. Henry Ford tuyên bố: phải sản xuất loại xe hơi cho đại chúng, giá phải đủ thấp để bất cứ ai với đồng lương vừa phải cũng đủ tiền mua và sử dụng được. Và trên các xa lộ của chúng ta, xe ngựa sẽ biến mất, nhường chỗ cho xe hơi.
Với tinh thần đó, Ford đã làm thay đổi đời sống 15 triệu gia đình Mỹ khi tung ra dòng xe hơi bình dân Model T "kiểu xe của mọi người". Vào thời gian đó, công ty nhận được mức đơn hàng nhiều hơn mức họ có thể cung cấp. Với lý do này, họ hoàn toàn có thể tăng giá sản phẩm, nhưng Ford là người thành tín, ông vẫn tiếp tục cho hạ giá. Trong 8 năm (1908-1916), giá xe hơi của Ford giảm giá đến 58 lần.
Việt Nam không có nhiều thương hiệu lớn chỉ vì cách kiếm chác kiểu cò con. Trong dịp Tết vừa qua, khi thấy nhu cầu rửa xe tăng, nhiều cơ sở đã lợi dụng cơ hội để kiếm lời bằng cách tăng giá rửa xe lên gấp đôi. Với tư duy "bóc ngắn cắn dài" như thế thì rửa xe máy còn khó, nói chi sản xuất xe hơi.
dhq