Từ năm 1959 khi bắt đầu nhậm chức Thủ tướng, Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính của Singapore. Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đề án Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2030. Trong lịch sử bang giao, hợp tác giữa các nước, học ngoại ngữ là một câu chuyện thú vị.
Hơn 300 năm trước, ở nước Nga, một nhà cải cách kiệt xuất của nhân loại là vua Piotr Đại Đế cũng đã ra sắc lệnh quy định tất cả con em quý tộc phải giỏi một ngoại ngữ để học hỏi phương Tây, nếu không sẽ bị tước đoạt quyền thừa kế. Nhờ hội nhập và học hỏi phương Tây, nước Nga từ một quốc gia lạc hậu đã trở thành một đế quốc hùng cường trên thế giới.
Giống như ở nước Nga, xứ France trong 46 năm trị vì bởi Đại Đế Charlemagne, đã trở thành cường quốc với nền chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với các thế kỷ trước. Theo tác giả Chu Hữu Chi trong cuốn Thế giới 5000 năm (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin), ngày nhỏ Charlemagne không được đi học, sau này ông rất khao khát được học hành. Năm 774, khi viễn chinh Italia, vua Charlemagne đã đưa vị học giả nổi tiếng là Pie và một số giáo sĩ có học thức cao về trong nước để dạy học. Nhờ đó nhà vua học được các ngoại ngữ phổ biến lúc bấy giờ là tiếng Hi Lạp, tiếng La tinh và tiếng Anh.
Trong thời gian đi chinh chiến, ở trong nước, vua Charlemagne còn cho xây trường để con nhà quyền quý và con nhà nghèo hèn cùng học. Thời gian sau trở về, ông cho gọi tất cả học trò đến, đích thân kiểm tra. Thấy con nhà bậc trung và con nhà nghèo đều học tốt, con nhà giàu lại học dốt, vua trọng dụng con nhà nghèo và nói với lũ con nhà giàu rằng: “Có Chúa chứng giám, ta khinh bỉ cái thân phận quyền quý và bộ áo quần sang trọng của các ngươi”.
Nước Đại Việt thế kỷ XIII có Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là một nhà chính trị, một danh tướng nhà Trần. Theo sử sách, dù xuất thân quyền quý, nhưng ngay từ nhỏ, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng là hiếu học, ham thích tìm hiểu về ngôn ngữ và phong tục các nước xung quanh. Ông thích giao du với sứ thần và nhà buôn các nước nên học được tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành. Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông tự nhiên trò chuyện mà không cần có người dịch thuật. Dưới triều vua Trần Nhân Tông, có lần nước Sách Mã Tích (Singapore ngày nay) sang triều cống, triều đình lại không có người nào biết tiếng để phiên dịch, Trần Nhật Duật đã đứng ra dịch giúp nhà vua.
Năm 1280, trong lúc nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh xâm lược nước ta thì chúa đạo Đà Giang (khu vực Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình Đại Việt. Để dẹp ngay mối bất hòa trong nước, vua Trần Nhân Tông phái Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trông coi đạo Đà Giang, chiêu dụ Trịnh Giác Mật đầu hàng. Trịnh Giác Mật không phục, định ám hại ông nên sai người tới đưa thư: "Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay". Các tướng can ngăn, sợ Trần Nhật Duật sẽ bị ám hại, nhưng ông một mình một ngựa đến trại Trịnh Giác Mật. Khi Trần Nhật Duật tới nơi, quân của Trịnh Giác Mật mang gươm giáo dàn thành hai ba lớp vòng vây. Trần Nhật Duật vẫn ung dung tiến thẳng vào trại, giao tiếp với người Đà Giang bằng chính ngôn ngữ và phong tục của họ. Ông còn uống rượu bằng mũi và ăn bốc bằng tay với Trịnh Giác Mật, thể hiện như anh em một nhà. Người Đà Giang thấy vậy tỏ ra quý mến. Sau khi Trần Nhật Duật trở về quân doanh, Trịnh Giác Mật đã dẫn cả nhà đến xin quy phục.
Trần Nhật Duật không mất một mũi tên mà thu phục được Đà Giang khiến nhà Trần yên ổn được biên giới Tây Bắc để tập trung toàn lực chống đế quốc Mông Nguyên giành thắng lợi vang dội. Vì vậy, ông được vinh danh là một nhà ngoại giao tài ba trong lịch sử Việt Nam. Khu vực ngã ba sông Việt Trì được coi là cửa ngõ vùng Tây Bắc, ngày xưa là tuyến phòng thủ Tam Giang của Trần Nhật Duật. Trên bến Tam Giang, phường Bạch Hạc ngày nay có bức tượng Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật trên chiến thuyền hướng về Tây Bắc.
Dư Hồng Quảng