Bảo tàng Công nghệ Samsung, Hàn Quốc
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Aleksey Nikolayevich Kosygin lo lắng vì những lời than phiền về chất lượng giày Liên Xô rất tồi tệ. Ông tới thăm một xí nghiệp quốc doanh ở thủ đô và trách cứ thậm tệ tay giám đốc vì việc đó. Nhưng tay giám đốc láu cá đã trả lời: “Chúng tôi có được dây chuyền sản xuất này nhờ sự giúp đỡ của anh 15 năm trước. Nó có công suất 1 triệu đôi/năm và bao gồm 100 thao tác. Nhưng sau đó cấp trên tăng kế hoạch lên 1,5 triệu đôi/năm. Để đẩy nhanh quy trình sản xuất, chúng tôi buộc phải cắt giảm 25 thao tác. Rồi kế hoạch bị đẩy lên 2 triệu đôi/năm, vậy thì toàn dây chuyền chỉ còn lại 50 thao tác. Liệu chất lượng sẽ ra sao nếu thay vì phải thực hiện 100 thao tác, chúng ta chỉ làm có một nửa ?”. Đoạn trên trích trong cuốn Bí ẩn sự diệt vong của Liên Xô (Nhà xuất bản Veche, Moscow, 2003).
Câu chuyện “cải tiến” tăng số lượng khá phổ biến trong các xí nghiệp quốc doanh một thời. Khác với mô hình của Liên Xô, các nước nhỏ bé Hàn Quốc, Singapore, Israel đẩy mạnh phát triển các công ty tư nhân. Đây chính là những “vườn ươm công nghệ”, nơi các ý tưởng sáng tạo được triển khai, trở thành các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Cuốn sách Bộ ba xuất chúng Hàn Quốc (Nhà xuất bản Thế giới, 2018) kể về nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc.
Tác giả trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc Kim Han Yong (phải)
Tháng 5/1956, ông Lee Byung-chul cho ra đời lô hàng dệt len đầu tiên với thương hiệu Goldentex. Giá 1 bộ âu phục Hàn Quốc rẻ gấp 5 lần so với của nước Anh, tuy nhiên không tài nào bán được vì khách hàng vẫn mặc định là hàng nội sẽ không đạt chất lượng so với hàng ngoại. Năm đầu sản xuất, công ty dệt len lỗ đến 500 triệu hwan. Để phá vỡ định kiến về hàng nội, mỗi khi đi gặp gỡ giao lưu, ông Lee luôn mặc âu phục may từ vải len Goldentex của mình. Nhiều quan chức Chính phủ tưởng ông mặc vest may bằng vải dệt len tinh khiết (pure wool) của Anh. Khi đó, ông Lee lại khéo léo lật ve áo để lộ dòng chữ sản xuất tại Hàn Quốc (Made in Korea). Dần dần, hàng của ông bán được, đóng góp cho ngân sách tới 4% tổng thu thuế cả nước. Lee Byung-chul trở thành người giàu nhất Hàn Quốc vào những năm 1960 của thế kỷ XX. Tập đoàn Samsung do ông Lee sáng lập sau này nổi tiếng khắp thế giới.
Khi kem đánh răng Colgate của Mỹ đang thống trị thị trường Hàn Quốc thì ông Koo In-hwoi sản xuất kem đánh răng Lucky (Lạc Hỷ). Với các chương trình cải tiến chất lượng và kiên trì khuyến mại, ông Koo bền bỉ vận động người Hàn dùng hàng nội, dần dần kem Lucky đánh bại Colgate. Tự tin hơn, ông Koo bước vào sản xuất radio thương hiệu Goldstar trong lúc người Hàn Quốc vốn đã quen với dòng Zenith của Mỹ đang thịnh hành số 1. Goldstar không đủ sức cạnh tranh, ông Koo phải lấy lợi nhuận của Lucky để bù lỗ. Mọi người đều phản đối, than rằng “Người Diệp Tiền (Hàn) mà đua công nghệ với người Yankee (Mỹ) và người Ngón Chân Chẻ (Nhật) thì thắng làm sao được”. Đúng là vào năm 1960, không ai dám tin người Hàn cạnh tranh được với người Mỹ về điện tử. Đến năm 1995, khi Goldstar đổi tên thành hãng LG, ông Koo đã mua lại hãng Zenith khiến toàn bộ giới điện tử Mỹ giật mình. Nước Mỹ kêu lên: "Một doanh nghiệp phương Đông đã mua lòng tự tôn của người Mỹ".
Không muốn Công ty ô tô Hyundai chỉ mãi là xưởng sản xuất phụ tùng cho hãng Ford của Mỹ, ông Chung Ju-yung quyết định sản xuất dòng xe 4 chỗ riêng phù hợp địa hình và nhu cầu của người Hàn Quốc. Các nước tiên tiến đều mỉa mai ý tưởng này của ông Chung bởi Hyundai chỉ là doanh nghiệp của một nước lạc hậu mà đòi sản xuất dòng xe riêng, một phương tiện cần đến 20.000 phụ tùng để lắp ráp. Mặc cho dè bửu, ông Chung vẫn kiên định. Năm 1973 ông ký kết hợp đồng với hãng Mitsubishi (Nhật) để sản xuất động cơ; ký hợp đồng với hãng Ital Design (Ý) để thiết kế kiểu dáng. Tháng 10/1974, chiếc Pony 1, dòng xe hơi đầu tiên đóng mác Hàn Quốc ra mắt. Hàn Quốc trở thành nước thứ 16 trên thế giới và là nước thứ hai ở châu Á (sau Nhật) sản xuất được dòng xe của riêng mình.
Samsung, LG, Hyundai là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, người Hàn Quốc gọi là các chaebol. Kỳ tích sông Hàn có được là do người Hàn Quốc có cách nhìn nhận đúng đắn và biết khuyến khích, tạo môi trường thể chế để các chaebol phát triển. Việt Nam đang thảo luận khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Bài học trên đây của Hàn Quốc, tưởng cũng nên tham khảo.
Dư Hồng Quảng