ĐỦNG ĐỈNH NHƯ CHÚNG TA ĐÂY
Bài trình bày về “pali pali” của một thí sinh Việt Nam đã gây ấn tượng với các giám khảo Hàn Quốc trong Cuộc thi hùng biện tiếng Hàn tại Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ năm 2021.
Vườn hoa đồng hồ ở Shinagawa.
“Pali pali” (“nhanh lên nhanh lên”) có lẽ là một nét đặc trưng cho lối sống đương đại ở Hàn Quốc. Việt Nam và Hàn Quốc vốn có nhiều nét tương đồng. Vì sao hiện nay họ lại có lối sống nhanh chóng, khẩn trương như vậy?
Sau chiến tranh, Hàn Quốc là nước nông nghiệp lạc hậu, đói nghèo vào loại nhất thế giới. Năm 1960, thu nhập của Hàn Quốc còn thấp hơn cả một số nước châu Phi.
Thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và quyết tâm sắt đá, chỉ sau 20 năm, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp. So sánh với Pháp phải mất hơn 100 năm, Mỹ cũng phải hơn 50 năm để hoàn thành công nghiệp hóa, ta mới thấy tốc độ phát triển của Hàn Quốc nhanh đến mức nào. Thế giới gọi đó là kỳ tích sông Hàn.
Nhịp sống công nghiệp gấp gáp khác hẳn cái nhàn hạ của đời sống tiểu nông. Cô gái đi chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp không dám đi mau vì “ngại chàng chê hấp tấp, số gian nan không giàu”. Khoan thai, đủng đỉnh thế mới là tiêu chuẩn chọn người. Ca dao đời đời nhắc nhở nhau: “Đi đâu mà vội mà vàng, mà mắc phải đá mà quàng phải dây. Đủng đỉnh như chúng em đây, chẳng đá nào vấp, chẳng dây nào quàng”.
Người xưa có tài cán một chút mà không đắc dụng thì lui về ở ẩn, lấy “cày nhàn câu vắng” làm lối sống thanh cao. Công nhân nay không còn là nông dân nữa nhưng đây đó vẫn bảo nhau “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nghỉ tết xong là nghỉ việc luôn. Đám cưới, đám giỗ cũng nghỉ luôn mấy ngày, mặc kệ đơn hàng xuất khẩu của ông chủ có hoàn thành đúng hạn hay không.
Tây, Nhật cắm đầu cắm cổ đi đâu, không cần biết, ta thì cứ vô tư nhàn tản “trông trời, trông đất, trông mây”. Phải chăng đó là căn tính dân tộc?
Năm 1906, sau khi đi học hỏi ở Nhật Bản trở về, chí sĩ Phan Chu Trinh rất đau lòng về tình trạng bạc nhược của đất nước. Ông viết bài thơ “Tỉnh quốc hồn ca” mong đánh thức thói ham chơi, đủng đỉnh của người dân. Bài thơ được phổ biến lần đầu tại các trường tân học ở Trung Kỳ và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, sau đó lan truyền tới nhiều nơi trên cả nước.
Về tác phong làm việc của dân ta, Phan Chu Trinh chỉ ra rằng trong khi Tây, Nhật giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, nghề nghiệp đâu ra đấy thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè, cờ bạc, bỏ bê công việc: “Rượu chè cờ bạc li bì, sinh ra trộm cướp, nghề gì mà mong?”
Ở Nhật, người 80 tuổi vẫn làm vệ sinh công ích, ở Canada 85 tuổi vẫn lái xe buýt công cộng. Ta thì có nơi 50 tuổi đã lên lão (vào hàng những người cao tuổi).
Theo các kết quả nghiên cứu xã hội học, Việt Nam hiện đang ở giữa thời kỳ “dân số vàng” với 75% số người trong độ tuổi lao động. Thời kỳ “dân số vàng” là giai đoạn phát triển lý tưởng của mỗi quốc gia khi tỉ lệ người lao động gấp đôi số người phụ thuộc.
Sự phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chính là khi đất nước họ ở thời kỳ “dân số vàng”. Việt Nam bắt đầu thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2006 và sẽ kết thúc vào năm 2039. Từ năm 2040, nước ta bước vào thời kỳ dân số già. Già mà chưa giàu sẽ là điều đáng tiếc nếu ta vẫn đủng đỉnh, nhởn nhơ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của Việt Nam hiện đang tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của Việt Nam đạt 4.792 USD/lao động, chỉ bằng 7% so với Singapore và bằng gần 50% của Indonesia.
Mặc dù gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể nhưng mức tăng trưởng vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia ở châu Á.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế - nhận định trong cuộc đua đường trường, người ta ăn nhau ở năng suất, tốc độ nhưng chúng ta vẫn còn tụt hậu thì khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực là thách thức rất lớn.
Nhớ lại, cách đây vài năm, sáng sớm, khi tôi đủng đỉnh đi bộ ở Shinagawa, thì nhiều người Nhật Bản vội vã đến tàu điện ngầm. Họ hối hả đi ngang vườn hoa được thiết kế thành chiếc đồng hồ lớn, có kim giờ kim phút chạy chính xác. Họ không giục nhau “nhanh lên, nhanh lên” vì cái đồng hồ đã thay lời hối thúc.
Hôm nay, xem lại ảnh vườn hoa đồng hồ ở Shinagawa, tôi lại nhớ câu thơ trong bài “Tỉnh quốc hồn ca” của cụ Phan Chu Trinh: “Nghĩ mình thua sút muôn phần, anh em ta phải đua chân mới là”.
Huyền Dư