Trên đồng tiền mệnh giá lớn nhất của Nhật Bản 1 vạn yên hiện nay in hình không phải nhà vua, mà là một nhà giáo dục: ông Fukuzawa Yukichi. Ông đã mở trường dạy học, viết sách khai trí, dịch sách phương Tây, sáng lập báo chí để truyền bá tư tưởng canh tân, thúc đẩy cải cách Minh Trị, đưa nước Nhật phong kiến lạc hậu trở thành cường quốc trên thế giới.
Hình ông Fukuzawa Yukichi trên tờ 1 vạn yên Nhật
10 người Nhật 1 cuốn sách “Khuyến học”
Thế kỷ XIX, trong cùng bối cảnh bị phương Tây lăm le xâm lược, các vua nhà Nguyễn của Việt Nam đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa với phương Tây, cấm quan chức, nhân sĩ, trí thức giao dịch với nước ngoài, khư khư thói bảo thủ lạc hậu, cuối cùng dẫn đến mất nước. Ngược lại, Nhật Bản mở cửa thông thương, cải cách duy tân, làm theo cái mới, thoát khỏi tư duy châu Á, vươn lên sánh vai với các nước Âu - Mỹ.
Fukuzawa Yukichi được coi là nhà tư tưởng xuất sắc nhất, là linh hồn của công cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân. Năm 1858 khi Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam thì bên nước Nhật, Fukuzawa Yukichi vừa 23 tuổi. Năm 25 tuổi, lần đầu tiên thăm hải cảng Yokohama, ông thấy những người phương Tây vào buôn bán. Làm sao để giao tiếp được với họ, không có nơi nào dạy, Fukuzawa đã quyết tâm tự học tiếng Anh bằng từ điển. Năm 1860, ông tình cờ được chọn giúp việc cho đoàn của chính phủ sang Hoa Kỳ. Sau lần đầu tiên ra nước ngoài đó, Fukuzawa còn được đi châu Âu, có dịp quan sát học hỏi văn minh phương Tây.
“Nước Nhật chúng ta hiện nay yếu kém, hoàn toàn không thể sánh vai với các cường quốc Âu, Mỹ giàu mạnh… Chỉ đến khi trên khắp mọi miền đất nước Nhật Ban, nơi đâu cũng gặp những người vừa có tài, vừa có đức, ngày đêm rèn giũa và tích lũy thực lực thì ắt hẳn đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ ngang hàng, sánh vai với nền văn minh của các cường quốc phương Tây”. Đây là những dòng ông viết trong cuốn sách “Khuyến học”.
Dưới thời tập đoàn phong kiến Mạc Phủ (giống như chúa Trịnh của Việt Nam), xã hội Nhật Bản phân chia đẳng cấp một cách hà khắc. Dân thường chỉ biết cúi rạp mình trước quan lại. Cam phận cúi đầu bởi họ có thể bị giết vì bất cứ lí do gì mà không cần xét xử. Khi vua Minh Trị giành lại được thực quyền từ tay Mạc Phủ, mở ra triều đại mới nhưng người dân vẫn còn rất u mê, khiếp sợ chính quyền. Muốn canh tân, phải thay đổi tâm lý bạc nhược của người dân. Vì vậy, mở đầu cuốn “Khuyến học”, Fukuzawa viết: “Trời không tạo ra người đứng trên người. Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Nếu có khác biệt là do học vấn”. Học vấn ông nói đến là học thực, không phải thói tầm chương trích cú theo Hán học xưa nay. Tân học mà Fukuzawa dốc toàn tâm lực cổ xúy và truyền bá là học theo khoa học kỹ thuật hiện đại của phương Tây. Khi dân trí lên cao thì quan tham khó dắt mũi. Mỗi người dân độc lập mới làm cho nước Nhật độc lập, mới chống được làn sóng thôn tính của phương Tây. “Khuyến học” như tiếng sấm giữa mùa đông làm bừng tỉnh quốc dân Nhật Bản. Vào những năm 1870, dân số nước Nhật khoảng 35 triệu người, nhưng chỉ với lần in đầu tiên, 3,4 triệu bản “Khuyến học” đã được phát hành toàn quốc. Tư tưởng đổi mới của Fukuzawa đã thổi luồng sinh khí mới trên đất nước mặt trời mọc. Người Nhật vẫn nói một cách hình ảnh, mặt trời mọc lên từ trang sách canh tân.
Tư nhân với canh tân
Đồng thời với viết sách, dịch sách, in báo, diễn thuyết, năm 1868, Fukuzawa đã cùng với nhóm trí thức có tư tưởng đổi mới lúc bấy giờ của Nhật sáng lập trường tư thục mang tên Keio Nghĩa Thục. Nghĩa thục tức là mở lớp dạy học không thu tiền nhằm truyền bá canh tân, mở mang dân trí. Ngôi trường này của người Nhật không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là mô hình thuyết phục để các trí thức yêu nước của Việt Nam làm theo. Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được mở ở Hà Nội. Thực dân Pháp lo ngại ngọn lửa canh tân lan rộng nên chúng đã thẳng tay giải tán trường Đông Kinh Nghĩa Thục sau 9 tháng hoạt động. Cái tên Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay được đặt cho một quảng trường phía đông bắc hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội để ghi nhớ khát vọng năm xưa của các sỹ phu nhằm canh tân nền giáo dục nước nhà.
Lại nói ở Nhật Bản, vì sao Fukuzawa và các đồng chí của ông lại mở trường tư thục mà không làm cho các trường công của chính phủ duy tân ? Dù trọn đời ủng hộ sự nghiệp cải cách duy tân của Minh Trị Thiên Hoàng, nhưng Fukuzawa không nhận lời mời ra làm quan chức chính phủ. Ông cho rằng ở ngoài chính quyền, người trí thức như ông mới giúp chính quyền được tốt hơn. Trong nội các, “áo xiêm ràng buộc lấy nhau”, người trí thức kiêm quan chức khó mà có tư duy độc lập, nói gì đến can gián, phản biện !
Fukuzawa quan niệm rằng chính phủ có quyền ban bố chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến chúng thành hiện thực phải là nhân dân, là khu vực tư nhân. Thị dân trước sau phải ở trong khu vực tư nhân để sản xuất, buôn bán; học giả, trí thức phải ở trong khu vực tư nhân để nghiên cứu, truyền bá. Khai phá văn minh là việc của khu vực tư nhân, bảo hộ an ninh là công việc của chính phủ. Sức dân và sức chính quyền có cân bằng thì tiềm lực quốc gia mới gia tăng, nền móng độc lập của quốc gia mới vững chắc, có như vậy nước Nhật mới mong được bình đẳng với phương Tây. Từ suy nghĩ như thế, Fukuzawa và các đồng chí của ông quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo với tư cách của người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong chính phủ.
Về phía tầng lớp trí thức, Fukuzawa cũng cho rằng nên thay đổi nếp nghĩ ngàn đời là học hành chỉ để ra làm quan. Làm nhà khoa học, làm doanh nhân, làm người dân có tri thức đều là cách để lập thân và cống hiến tốt. Bộ máy quan liêu càng thu nhỏ thì khu vực tư nhân càng phát triển, đủ không gian cho cá tính sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Đó mới là nền móng của phát triển đất nước.
Sau 150 năm, tầm suy nghĩ của Fukuzawa đến nay vẫn còn rất thời sự. Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroyuki Yushita, hiện là Giám đốc điều hành cao cấp của Hiệp hội Ngoại giao Nhân dân Nhật Bản (FEC) cho biết đẩy mạnh tư nhân hóa là giải pháp căn bản để tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Nhờ tư nhân hóa mà Nhật Bản hiện sở hữu hệ thống tàu điện ngầm tối tân và quy mô nhất thế giới khiến các nước Âu Mỹ phải ngưỡng mộ. Từ tháng 10/2007, Nhật Bản bắt đầu tiến hành tư nhân hoá khoảng 24.000 bưu điện của Nhà nước. “Tư nhân hóa” các dịch vụ công, “tự chủ hóa” các trường đại học và “pháp nhân hóa” các tổ chức công (trước trực thuộc Chính phủ, sau trở thành đơn vị độc lập). Từ năm 2001 đến 2016, ở khối các cơ quan Trung ương, công chức phổ thông của Nhật Bản đã giảm từ 811.000 người xuống còn 285.000 người; công chức đặc biệt (chính trị gia và cán bộ cấp cao cơ quan lập pháp, tư pháp và quốc phòng) cũng giảm xuống còn 298.000 người. Đến 2016, công chức cả Trung ương và địa phương của Nhật Bản chỉ còn chiếm 2,6% dân số.
“Hai thập kỷ mất mát”
Với tinh thần mở cửa, dưới thời Minh Trị Duy Tân, nhiều phái đoàn của Nhật được cử sang phương Tây học hỏi về cách thức quản lý hành chính và về kỹ thuật công nghệ. Nhiều cải cách quan trọng về giáo dục được thi hành trong đó có việc thành lập các trường học để đào tạo tầng lớp lãnh đạo chính quyền và kinh doanh. Đồng thời với cử đông đảo sinh viên Nhật Bản sang nước ngoài du học, rất nhiều chuyên gia phương Tây được mời tới Nhật Bản để phổ biến kiến thức và trực tiếp truyền dạy kỹ thuật công nghệ. Có thể nói, đổi mới tư duy từ canh tân giáo dục đã làm thay đổi nước Nhật phong kiến. Trên những hòn đảo bao bọc bởi đại dương, đất đai nghèo kiệt, không tài nguyên khoáng sản, luôn hứng chịu núi lửa, động đất, sóng thần, Nhật Bản đã vươn lên khiến cả thế giới phải khâm phục.
Nước Nhật hiện đại, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, từ năm 1990, bước vào giai đoạn suy thoái. Tại Tokyo cuối năm 2017, nhà báo nổi tiếng Fumio Matsuo được Bộ Ngoại giao Nhật Bản mời đến nói chuyện với đoàn cán bộ đối ngoại chúng tôi. Ông từng là phóng viên thường trú của hãng tin Kyodo, người trực tiếp có mặt ở tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1973 để đưa tin Mỹ rút quân khỏi miền nam Việt Nam. Nhà báo Matsuo cho rằng giai đoạn suy thoái mà ông vẫn gọi là “2 thập kỷ mất mát” của Nhật Bản là do số lượng du học sinh Nhật Bản ở Mỹ và các nước phương Tây không còn đông đảo như trước đây. Dẫn đầu trong số các nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ những năm qua là Trung Quốc. Học sinh Nhật Bản hiện chỉ xếp thứ 9.
Ở Mỹ hiện nay, du học sinh Trung Quốc vào học những trường ưu tú nhất của xứ sở cờ hoa. Họ đặc biệt chú trọng các trường bussiness school là nơi thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất của nhân loại về kinh tế, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Lực lượng du học sinh đông đảo này là một nguồn sức mạnh cho canh tân đổi mới của nước Trung Quốc hiện đại. Du học sinh Trung Quốc ngày càng đông đảo còn là cầu nối ngoại giao, lan tỏa giá trị Trung Hoa trên đất Mỹ. Matsuo cho biết, hiện nay, học nói tiếng Trung còn là một cái mốt trong giới thượng lưu Mỹ. Người Nhật rất lo lắng về sự tụt hậu này và đang tìm cách phục hưng tinh thần Nhật Bản trong giới trẻ.
Dù kinh tế suy giảm so với những năm 60 - 70, nhưng hiện nay, Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới. Du học sinh là một câu chuyện nhỏ về giáo dục để thấy người Nhật luôn cầu thị. Họ nhận ra thách thức hiện tại, đối mặt để vượt lên cũng giống như thế hệ của Fukuzawa Yukichi - nhà giáo dục, nhà tư tưởng vĩ đại của họ - đã từng đối mặt và chiến thắng. Đây cũng là một bài học đáng suy ngẫm cho Việt Nam trong công cuộc hội nhập và phát triển hiện nay./.
Tự Thủy