Rất nhiều người ngưỡng mộ những việc thiện tâm trên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là một chiêu trò để quảng bá hình ảnh bản thân và doanh nghiệp. Nên nghĩ sao về việc này ?
Chuyện xưa kể rằng, có viên quan tài đức song toàn mà vẫn bị đây đó có người gièm pha. Vua hỏi vì sao, viên quan ấy đáp rằng, đó âu cũng là thói thường ở đời. Trăng sáng, khách văn chương phấn chấn ngâm ngợi thơ ca nhưng kẻ gian manh thì ngán nỗi khó bề trộm cắp. Mưa xuân, kẻ nông phu háo hức vì mùa vụ thuận hòa nhưng khách bộ hành lại bực nỗi mặt đường lầy lội. Vô tư, không thiên vị như trời đất mà còn chẳng được lòng tất cả nhân gian, huống chi người trần !
Từ xa xưa, truyện cổ tích Việt Nam luôn coi người giàu là tham lam, xấu xa. Kinh Thánh ở phương Tây cũng nói người giàu vào nước Thiên Chúa còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Điều đó thể hiện mong muốn bênh vực người nghèo, người yếu thế, nhưng cũng cho thấy nhận thức chung về con đường làm giàu và người giàu ngày xưa.
Ngày nay thì sao ? Doanh nhân Trịnh Văn Bô đã phát hàng nghìn suất cháo cứu người sắp chết trong nạn đói năm 1945. Ông còn ủng hộ Chính phủ Cách mạng mới ra đời trên 5000 lượng vàng (tương đương số tiền gấp đôi toàn bộ ngân khố của Chính phủ lúc bấy giờ).
Trước khi xảy ra đại dịch Covid 2019, tỷ phú Bill Gates đã dành gần một nửa trong tổng số tài sản trị giá 90 tỷ USD của mình để làm từ thiện. Những câu chuyện trên đã khiến quan niệm về người giàu dần dần thay đổi.
Trong cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu (Nhà xuất bản Trẻ), cựu Thủ tướng Singapore khẳng định: Nếu phải chọn một từ để giải thích lý do thành công của Singapore, thì đó chính là niềm tin. Niềm tin đã khuyến khích những nhà đầu tư ngoại quốc quyết định xây dựng công xưởng, nhà máy ở Singapore.
Tháng 11/1966, tại phiên họp Ủy ban Tư vấn châu Á của Tổ chức Lao động Quốc tế, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói với các lãnh tụ nghiệp đoàn Singapore rằng họ không được giết những con ngỗng đẻ trứng vàng vì Singapore đang cần những quả trứng vàng đó.
Cuốn sách Kỷ nguyên Park Chung Hee (Nhà xuất bản Thế giới), kể lại rằng Tổng thống Park nhận thức rõ Hàn Quốc chỉ có thể thoát khỏi đói nghèo, đạt được các mục tiêu tăng trưởng khi có sự hợp tác từ các tập đoàn doanh nghiệp tư nhân lớn (tiếng Hàn gọi là chaebol).
Những năm sau giải phóng ở Hàn Quốc, lòng người còn ly tán, kỷ cương có lỏng lẻo, cơ chế chưa rõ ràng nên các doanh nghiệp không tránh khỏi những chuệch choạc thế này thế khác. Chính quyền mới của tướng Park có thể bỏ tù họ.
Nhưng thay vì tiêu diệt các tập đoàn, Park Chung Hee triệu tập họ đến, yêu cầu cam kết làm đúng pháp luật, chung tay cùng chính phủ vực dậy nền kinh tế.
Kỳ tích sông Hàn có được sau này với những thương hiệu làm cả thế giới phải kiêng nể như Samsung, Hyundai,... là nhờ chính sách đúng đắn khuyến khích các chaebol phát triển.
Để sớm trở thành nước công nghiệp, Việt Nam đang xây dựng cơ chế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn tư nhân lớn.
Ủng hộ các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trước hết phải từ nhận thức. Đó phải chăng cũng là cách để chăm sóc những con ngỗng đẻ trứng vàng cho đất nước theo cách nói của Thủ tướng Lý Quang Diệu cách đây hơn nửa thế kỷ ?
Dư Hồng Quảng