Chủ tịch ASEAN 2020
Tháng 1/2020, Việt Nam đã thực hiện cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm bản lề quan trọng với tổ chức khu vực và với Việt Nam. Việt Nam chọn chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, đồng thời đặt ra 5 ưu tiên gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, Chủ tịch ASEAN 2020 cũng sẽ thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, nâng cao năng lực thích ứng cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Với vai trò Chủ tịch, Việt Nam sẽ trực tiếp chủ trì, điều hành 3 tuần lễ lớn gồm Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 4-2020, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan tháng 7-2020 và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Cấp cao liên quan tháng 11-2020. Đây sẽ là dịp quan trọng để Việt Nam thể hiện vai trò Chủ tịch, điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN, cũng như tranh thủ thúc đẩy tiếp xúc, hợp tác song phương với các đối tác cả trong và ngoài ASEAN, trong đó có tất cả các nước lớn. Đây là cơ hội lớn để đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, huy động nguồn lực phát triển và tăng cường hợp tác xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, khoa học - công nghệ phục vụ phát triển đất nước.
Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Trong một lần trả lời báo chí nhân sự kiện Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu kỷ lục gần như là tuyệt đối 192/193, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Chúng ta tham gia vào Hội đồng Bảo an để đóng góp vào vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thế giới - đó là duy trì được hòa bình, an ninh và ổn định. Chúng ta thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam nhưng đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là một thành viên trong tổ chức Liên hợp quốc, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”
Việt Nam đã từng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008-2009, đã có đóng góp quan trọng cho các vấn đề của thế giới. Nhưng lần này chúng ta vào HĐBA LHQ với trọng trách hết sức nặng nề; bởi vì tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tình hình tại Liên hợp quốc, đặc biệt trong Hội đồng Bảo an, vấn đề lợi ích khác biệt trong Hội đồng Bảo an là rất lớn, có rất nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó lần này, tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam mong muốn góp phần quan trọng thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hòa bình an ninh; mong muốn đóng góp vào các nỗ lực như giải quyết vấn đề sau xung đột, vấn đề phụ nữ trẻ em trong xung đột hay xử lý bom mìn…, dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế.
Cơ hội lớn, thời cơ mới của Việt Nam
Trọng trách kép Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 là những hoạt động ngoại giao quan trọng để Việt Nam thể hiện và nâng cao vị thế, uy tín, cũng như năng lực trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ đóng góp không chỉ tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng và tầm cỡ toàn cầu là Liên hợp quốc. Vị trí Chủ tịch ASEAN cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với nước lớn; huy động nguồn lực phát triển đất nước. ASEAN đã thiết lập Quan hệ Đối thoại với 9 nước, 1 tổ chức khu vực (EU) và 1 tổ chức quốc tế (LHQ).
Với đường lối đúng đắn và kinh nghiệm đa phương dày dặn của Đảng và Nhà nước ta, chắc chắn, Việt Nam sẽ đảm đương thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, qua đó tiếp tục nâng cao vị thế đất nước, tăng cường niềm tin, niềm tự hào dân tộc cũng như niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Đây sẽ là thành tựu to lớn để toàn Đảng, toàn dân ta khởi đầu chặng đường 10 năm hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII năm 2021./.
Chúc Hảo